23/10/2023 13:26
Theo thẩm phán Lê Thị Khanh, khi có trợ lý ảo, việc mã hóa chỉ mất 30 - 40 phút và có thể đăng được cùng lúc 10 - 15 bản án có hiệu lực pháp luật thay vì 04 - 05 bản/ngày như trước đây.
Mới đây, phát biểu tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ, hiện ngành TT-TT đang phát triển 04 trợ lý ảo quan trọng trong lĩnh vực pháp luật: Phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện công việc theo quy định; hỗ trợ thẩm phán tra cứu pháp luật; trả lời các câu hỏi của người dân liên quan đến pháp luật, đến các quy định của Nhà nước.
Trong đó, trợ lý ảo do Viettel phát triển hỗ trợ thẩm phán tra cứu pháp luật, đã được đưa vào hoạt động và giúp giảm thời gian xử lý của các thẩm phán tới 30%.
Sở hữu hơn 160.000 văn bản pháp luật ngành toà án
Theo ông Trần Mạnh Quân, Phó Giám đốc Khối nền tảng trợ lý ảo (Trung tâm Không gian mạng Viettel). trải qua hơn 01 năm thử nghiệm, trợ lý ảo pháp luật hỗ trợ các thẩm phán đã chứng minh được hiệu quả tích cực. Cụ thể, ứng dụng giúp giảm 30% lượng công việc so với thao tác truyền thống, tối ưu thời gian vận hành của toàn bộ hệ thống tòa án.
Nhờ được tích hợp từ các mô hình học sâu (Deep learning), cũng như các thuật toán tìm kiếm nội dung theo ngữ nghĩa (Semantic search), công cụ này cho phép người dùng dễ dàng tra cứu nhanh và chính xác các văn bản pháp luật.
Trợ lý ảo pháp luật hỗ trợ các thẩm phán của Viettel có thể giới thiệu luật, pháp lệnh, thông tư, nghị định chính xác đến từng điều, khoản của văn bản pháp quy và thời điểm có hiệu lực, phù hợp với thời gian xảy ra vụ việc hoặc giới thiệu các tình huống tương tự dựa trên kho dữ liệu được lưu trữ.
Ứng dụng cũng có thể hỗ trợ lập kế hoạch giải quyết án, tạo lập và quản lý hồ sơ án điện tử, thậm chí chỉ dẫn chi tiết các bước, biểu mẫu thực hiện theo đúng quy định về tố tụng như một sổ tay điện tử cho từng vụ án. Công cụ này còn tự động tạo các tài liệu pháp lý mẫu, như giấy triệu tập, quyết định tạm giam, hỗ trợ viết một phần nội dung bản án, tiếp nhận đơn, chuẩn bị trước, trong và sau phiên tòa...
Theo Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel CyberSpace center) - đơn vị phát triển sản phẩm, trợ lý ảo pháp luật này sở hữu hệ thống cơ sở tri thức ngành với hơn 160.000 văn bản pháp luật, 63 án lệ và hơn 01 triệu bản án. Trong đó, hơn 1.200 quyết định giám đốc thẩm và hơn 80.000 bản án phúc thẩm do Tòa án Nhân dân tối cao cung cấp.
Tính đến nay, sản phẩm có hơn 03 triệu lượt sử dụng, trung bình có 5.000 -6.000 lượt hỏi đáp, tra cứu mỗi ngày. Kết quả khảo sát với 1.031 lượt đánh giá cho thấy, 99% người sử dụng đánh giá cao độ hữu ích của sản phẩm. Tỉ lệ người sử dụng chưa hài lòng chiếm 5,22%.
Nhờ được thiết kế riêng dựa trên dữ liệu của người Việt, sản phẩm có thể xử lý tốt ngôn ngữ tiếng Việt ngay cả khi ngôn ngữ sử dụng thay đổi theo cách phát âm riêng của từng vùng, miền.
Bên cạnh tài nguyên số, đội ngũ kỹ sư Viettel cũng phối hợp chặt chẽ với tòa án các cấp, xin tham vấn từ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành tòa án trong suốt quá trình sản phẩm. Ngay cả nhóm phát triển cũng được đào tạo hàng tuần về các kiến thức pháp luật cũng như quy trình tố tụng.
Ông Nguyễn Công Thắng, đại diện nhóm phát triển sản phẩm của Viettel cho biết, tầm nhìn của Viettel là phổ cập trợ lý ảo pháp luật tới mọi người dân Việt Nam, hỗ trợ họ đoán định được tình huống pháp lý mà mình gặp phải.
Thực tế triển khai
Trao đổi với báo chí, thẩm phán Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội, bà Lê Thị Khanh cho biết, khi Tòa án Nhân dân tối cao triển khai phần mềm trợ lý ảo đến tất cả tòa án trên cả nước, các thẩm phán đều được cấp tài khoản và mật khẩu sử dụng phần mềm này. Tòa án quận Cầu Giấy có 13 thẩm phán.
Theo nhiệm vụ, thẩm phán phải công khai bản án trên trang web cổng thông tin công bố bản án của Tòa án Nhân dân tối cao. Khi chưa có phần mềm trợ lý ảo, các thẩm phán sẽ phải mã hóa dữ liệu trong bản án theo cách thủ công, bằng tay.
"Khi có phần mềm trợ lý ảo này, việc mã hóa diễn ra rất nhanh, thậm chí chỉ mất 30 - 40 phút là chúng tôi đã có thể mã hóa và đăng được cùng lúc 10 - 15 bản án có hiệu lực pháp luật. Trong khi trước đó, tùy theo độ dài, thông thường một buổi chỉ mã hóa được 04 - 05 bản án", thẩm phán Lê Thị Khanh chia sẻ.
Cũng theo vị thẩm phán này, trợ lý ảo còn có ý nghĩa quan trọng trong việc trao đổi nghiệp vụ cũng như cung cấp cho thẩm phán công cụ tham khảo trong các tình huống.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Khanh cũng góp ý, trợ lý ảo cần tập trung hơn nữa vào nội dung câu hỏi của người sử dụng. Hiện nay, một số câu trả lời, giải pháp mà trợ lý ảo đưa ra còn bị loãng, chưa sát.
Theo baochinhphu.vn
Thủ đoạn lừa cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn, giám sát tài khoản mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản là 01 trong 03 chiêu lừa phổ biến tuần qua, vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cảnh báo tới người dân.