16/06/2021 09:13
Đại diện dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai hướng dẫn quy trình nuôi cho hộ bà Tăng Thị Thúy Loan, ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải.
Là tỉnh có thế mạnh và đa dạng về các chủng loại nông sản với trên 255.000ha diện tích gieo trồng (lúa trên 200.000ha; màu các loại trên 50.000ha); cùng với gần 23.698ha dừa (chiếm 56,35% diện tích cây lâu năm), hàng năm cho sản lượng 306.000 tấn và 19.000ha cây ăn trái, sản lượng hơn 280.000 tấn, cùng các sản phẩm đặc sản của tỉnh như quýt đường, dừa sáp, chôm chôm, măng cụt… về nuôi thủy sản khá đa dạng, với diện tích cả 03 vùng mặn, lợ và ngọt trên 62.500ha.
Giai đoạn 2015 đến nay đã có 32 đề tài/dự án phục vụ lĩnh vực nông nghiệp được triển khai, chiếm 45% số lượng nhiệm vụ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tập trung chủ yếu vào nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật trong chọn tạo giống phục vụ người dân và xây dựng mô hình sản xuất.
Để phát huy giá trị về thương hiệu đặc sản trong một số sản phẩm của tỉnh, trong đó có đặc sản dừa sáp của huyện Cầu Kè từng bước được triển khai nhân rộng quy mô canh tác, đảm bảo về sản lượng, chất lượng của trái dừa sáp. Thông qua dự án: “Xây dựng mô hình dừa sáp bằng nguồn cây nuôi cấy phôi tại tỉnh”, Sở KH-CN đã triển khai thực hiện tại 11 hộ ở huyện Cầu Kè; đề tài: “Nghiên cứu quy trình chế biến và bảo quản sản phẩm kem dừa sáp đóng hộp tại tỉnh Trà Vinh” do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH-CN tỉnh Trà Vinh chủ trì thực hiện. Hay đề tài “Chọn giống đậu phộng trồng trên đất giồng cát cho năng suất cao”, được thực hiện cho nông hộ tại các huyện Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải. Đề tài “Triển khai thực hiện xây dựng mô hình trồng dưa lưới theo hướng an toàn trong nhà màng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại tỉnh” cho nông hộ ở huyện Châu Thành…
PGS. TS Lâm Thái Hùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN Trà Vinh cho biết: thực hiện sản xuất nông nghiệp hướng đến thích ứng BĐKH và nâng cao giá trị sản phẩm, Sở KH-CN phối hợp các địa phương triển khai các đề tài có tính cấp thiết và gần với nhu cầu sản xuất của người nông dân; qua những mô hình/đề tài khi triển khai có tính tác động sâu rộng vào trong sản xuất và vực dậy được tiềm năng của địa phương, từ đó góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất hàng hóa nông sản do nông dân làm ra. Hiện nay, nhu cầu thị trường khá lớn và đòi hỏi sản phẩm phải có tính ổn định, chất lượng và sản xuất theo chuỗi an toàn… Vì vậy, đòi hỏi vai trò công tác KH-CN phải đồng hành và đi trước một trong việc nghiên cứu, ứng dụng và triển khai cho nông dân áp dụng vào thực hiện; có như vậy, người nông dân và người làm nghiên cứu khoa học mới thật sự đạt hiệu quả cao nhất.
Hiện nay, bên cạnh các đề tài/mô hình đã được chuyển giao cho các đơn vị tiếp tục nhân rộng ra cộng đồng, như nuôi sò huyết trong ao, nuôi cá bóng tượng, nuôi gà nòi lai thả vườn, nuôi cua cốm trong bể xi-măng với hệ thống lọc nước tuần hoàn, nuôi lợn rừng xử lý chất thải bằng túi biogas HDPE, trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao áp dụng phân vi sinh, tưới nhỏ giọt, trồng hành tím bằng hạt, trồng đinh lăng cấy mô trong chậu, trồng bưởi da xanh, trồng dừa Mã Lai, dừa xiêm xanh, ươm dưỡng hoa kiểng trong nhà lưới… Đơn vị Sở KH-CN Trà Vinh và các địa phương đang triển khai một số đề tài về nông nghiệp như: “Xây dựng mô hình trồng bưởi Ruby xen ổi Ruby sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước tại huyện Tiểu Cần”, “Xây dựng mô hình trồng bưởi Ruby sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước” tại huyện Cầu Kè; xây dựng mô hình trồng dưa hấu theo hướng an toàn” cho nông hộ tại huyện Cầu Ngang. Về thủy sản, với đề tài cấp cơ sở, như: “Xây dựng mô hình sản xuất lươn giống (Monopterus albus) bằng phương pháp bán nhân tạo tại tỉnh” do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH-CN tỉnh Trà Vinh chủ trì thực hiện, Kỹ sư Nguyễn Bình Nguyên làm chủ nhiệm đề tài.
Cũng theo PGS. TS Lâm Thái Hùng, thời gian tới, Sở KH-CN tiếp tục đề xuất đặt hàng dự án (thực hiện từ năm 2022) đối với đề tài “Ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi cua biển (Scylla paramamosian) thương phẩm để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cua lột tại tỉnh”… Trong thực hiện hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đã và đang được triển khai mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất; đây là một trong những yếu tố khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm được sản xuất và làm ra tại tỉnh. Theo đó, sẽ thực hiện “Xây dựng bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lúa, gạo hữu cơ” của huyện Châu Thành; bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Tôm Trà Vinh”; dự án bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho sản phẩm dừa sáp.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Lần đầu tiên, một báo cáo tổng quan về Khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam được công bố, nhằm cung cấp bức tranh tổng quan về hoạt động này thời gian qua.