13/01/2020 09:45
Huyện Duyên Hải có 07 đơn vị hành chính cấp xã, trong này, có 03 xã và 01 thị trấn thuộc vùng hải đảo, có chiều dài bờ biển khoảng 29km. Nông nghiệp là kinh tế chủ lực của huyện, trong đó, nuôi thủy sản nước lợ là kinh tế mũi nhọn của địa phương. Với vị trí địa lý là vùng ven biển, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều có diện tích nuôi thủy sản nước lợ, đặc biệt, nuôi thủy sản phát triển mạnh tập trung ở các xã đảo.
Đến huyện Duyên Hải nơi nào cũng nghe người dân thăm hỏi, bàn tính việc nuôi thủy sản; người phương xa về thăm quê hay thăm người thân cũng thăm hỏi tình hình nuôi thủy sản. Những cánh đồng nuôi thủy sản (tôm sú, thẻ chân trắng) luôn nhộp nhịp: Thời điểm chuẩn bị cho vụ mùa, tiếng máy nạo vét ao hồ vang rền trên những cánh đồng; vào vụ nuôi, tiếng quạt nước rì rào quay đều đánh tung những làn nước bay trắng xóa lấp lánh dưới ánh nắng trên khắp các cánh đồng nuôi tôm thâm canh (công nghiệp). Đêm đến, cánh đồng sáng rực ánh đèn như thành phố về đêm. Tôm sú và tôm thẻ chân trắng là hai con nuôi chủ lực của huyện. Năm 2019, toàn huyện có trên 15.600 lượt hộ thả nuôi hơn 1,6 tỷ con tôm giống, trên 18ha diện tích mặt nước, sản lượng thu hoạch gần 13.000 tấn tôm thương phẩm, vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Ông Phạm Thành Lập, Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải. Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Duyên Hải năm 2019, ông Phạm Thành Lập, Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải đánh giá cao kết quả đạt được của ngành trong năm qua, đặc biệt là phát triển nuôi thủy sản có sự tăng trưởng rõ rệt, nhất là mô hình phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao. Kết quả từ công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế phát triển, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư, thay đổi hình thức nuôi từ mô hình nuôi thâm canh sang nuôi thâm canh mật độ cao mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ công tác quản lý các sản phẩm, thiết bị, điều kiện, quy trình nuôi, bảo đảm tránh gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động nuôi thủy sản, nhất là đối với nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao. |
Vườn ươm cây giống của người dân xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải.
Riêng tôm thẻ chân trắng trong năm, có hơn 2.700 lượt hộ thả nuôi gần 870 triệu con tôm giống, với diện tích gần 1.200ha, sản lượng thu hoạch 9.385 tấn tôm thương phẩm, đạt 107,87% kế hoạch, so năm 2018 tăng 1.779 tấn (tăng 23,39%), năng suất bình quân 8,6 tấn/ha. Đặc biệt, có 321 lượt hộ thả nuôi thâm canh mật độ cao, với trên 167 triệu con giống, trên diện tích 85,7ha, sản lượng thu hoạch 2.525 tấn, năng suất bình quân 29,5 tấn/ha, so năm 2018, diện tích thả nuôi tăng 58,5ha, sản lượng tăng 1.630 tấn (tăng 182%). Những năm gần đây, người dân trong huyện tập trung đầu tư phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao (áp dụng kỹ thuật công nghệ cao), phát triển mạnh ở các xã: Đông Hải, Long Vĩnh, Long Khánh, Ngũ Lạc.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao ở ấp Giồng Bàn, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải.
Tìm hiểu thêm về nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Long Vĩnh, được biết: Năm 2019, toàn xã có 274,4ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng thu hoạch 3.569 tấn tôm thương phẩm, đạt 108,2% kế hoạch; năng suất bình quân 13 tấn/ha. Trong đó, có 18,6ha nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao; sản lượng thu hoạch 987 tấn, năng suất bình quân 53,1 tấn/ha. So sánh hai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh (ao đất) và thâm canh mật độ cao (ao lót bạt) thì mô hình nuôi thâm canh mật độ cao thu hoạch cao gấp 05 lần so với nuôi theo mô hình thâm canh. Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu cho ao nuôi cũng cao gấp 04 lần so với ao nuôi thâm canh theo truyền thống (khoảng 400 triệu đồng đầu tư cho 01 ao nuôi có diện tích 0,15ha mặt nước). Đặc biệt, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao ít bị rủi ro hơn so nuôi thâm canh theo mô hình truyền thống.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Với những tiện ích, như tích hợp được nhiều thông tin, thay thế nhiều loại giấy tờ, thao tác nhanh chóng, đơn giản, ứng dụng VNeID đang ngày một trở nên gần gũi, thiết yếu với đời sống của người dân. Nhất là, khi Bộ Công an triển khai việc tố giác tin báo về tội phạm qua ứng dụng VNeID thì đây còn trở thành một “kênh” tố giác tội phạm tiện ích.