20/09/2024 14:22
Ông Denning Tan, Giám đốc Quỹ đầu tư GenAI Fund đã trình bày Báo cáo Khởi nghiệp GenAI ASEAN 2024.
Việt Nam xếp thứ 02 của khu vực ASEAN về độ năng động và phát triển của các startup trong công nghệ Generative AI (GenAI).
Đây là thông tin được công bố tại Chương trình ra mắt Báo cáo Khởi nghiệp GenAI ASEAN đầu tiên tại Hà Nội, do Quỹ đầu tư GenAI Fund hợp tác với Amazon Web Services (AWS), Databricks và Trung tâm Đổi mới Quốc gia Việt Nam (NIC) tổ chức, ngày 19/9. Sự kiện nhằm công bố những thông tin và những hiểu biết thiết yếu về hệ sinh thái Generative AI (GenAI) đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á.
Ông Denning Tan, Giám đốc Quỹ đầu tư GenAI Fund cho biết Báo cáo Khởi nghiệp GenAI ASEAN 2024 thông qua việc khảo sát tại 06 quốc gia để đưa ra những nhận định về các xu hướng, cơ hội và tài nguyên đang định hình tương lai của GenAI trong khu vực. Báo cáo cũng cung cấp cái nhìn sâu sắc về bối cảnh GenAI, tập trung vào các cơ hội tăng trưởng và xu hướng đầu tư trên toàn khu vực.
Báo cáo đã cung cấp cho các công ty khởi nghiệp, cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp những phân tích dựa trên dữ liệu và thông tin chi tiết có thể thực hiện về cách các công nghệ GenAI đang biến đổi các ngành công nghiệp trên khắp ASEAN. Đặc biệt trong đó, Việt Nam đang định vị là một trung tâm đổi mới then chốt trong lĩnh vực này.
Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững. Trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là AI tạo sinh (GenAI) đang tạo ra những đột phá chưa từng có, mở ra những khả năng vô hạn cho nhân loại. Đến nay, công nghệ AI đã được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ y tế, giáo dục, đến sản xuất, nông nghiệp.
“Tại Việt Nam, Chính phủ nhận thức rõ tầm quan trọng của AI và đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI,” ông Thịnh nói.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050”. Một trong những nội dung quan trọng của đề án là đề xuất mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 5.000 nhân sự trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với các đối tác, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Ứng dụng AI để phục vụ ươm tạo doanh nghiệp, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo chuyên sâu với mục tiêu đến 2030 đào tạo được 7.000 chuyên gia AI theo tiêu chuẩn quốc tế và ươm tạo khoảng 500 công ty khởi nghiệp AI.
“Đây là những bước đi hết sức chủ động nhằm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam sớm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới,” ông Thịnh cho hay.
Tại sự kiện, ba công ty khởi nghiệp GenAI tiên phong tại Việt Nam đã giới thiệu các ứng dụng sáng tạo trên nhiều ngành nghề. Cụ thể, Reforged Labs chia sẻ giải pháp GenAI cho các nhà tiếp thị game, Lex Engine với các công cụ hỗ trợ GenAI cho ngành luật và Laka.ai là công cụ lập kế hoạch du lịch hỗ trợ GenAI.
GenAI Fund là quỹ đầu tư đầu tiên có trụ sở tại Đông Nam Á tập trung vào Generative AI (GenAI, với số vốn ban đầu là 10 triệu USD. Được thành lập bởi hai cựu giám đốc điều hành của AWS là bà Laura Nguyen và ông Denning Tan, những người đã góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho AWS tại Đông Nam Á, GenAI Fund đầu tư vào các công ty khởi nghiệp GenAI giai đoạn đầu, với trọng tâm vào sự tăng trưởng, chiến lược Go-to-Market và cơ hội trong tương lai. |
Theo vietnamplus.vn
Chiều ngày 22/11, tại điểm cầu UBND tỉnh Trà Vinh, đồng chí Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh năm 2024 nhằm đánh giá kết quả chuyển đổi số trên địa bàn.