10/01/2022 08:15
Vùng nguyên liệu chè Tam Đường (Lai Châu) phục vụ xuất khẩu.
Tháng 3 vừa qua, Ðồng Tháp là địa phương đầu tiên phối hợp Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) và nhà đăng ký tên miền iNET triển khai chương trình hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia ".vn". Ngay sau đó, hàng chục sản vật đặc trưng của tỉnh Ðồng Tháp đã hiện diện trên internet, tiếp cận người tiêu dùng qua website với tên miền quốc gia ".vn".
Một số cơ sở sản xuất, chế biến nông sản ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp cho biết, việc kinh doanh truyền thống chỉ có thể phục vụ bà con, du khách địa phương, từ khi đăng ký tên miền quốc gia ".vn", người dân cả nước biết tới sản phẩm và tin cậy thương hiệu của họ. Việc kinh doanh trong thời gian giãn cách do dịch Covid-19 cũng thuận tiện hơn nhờ nguồn khách hàng trên internet.
Sau tỉnh Ðồng Tháp, Trung tâm Internet Việt Nam phối hợp các Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long và Hậu Giang triển khai chương trình đưa thương hiệu nông sản Việt Nam hiện diện trên website với tên miền ".vn". Mới đây, chị Lê Thị Phụng Em (tỉnh Hậu Giang) đã được Trung tâm Internet Việt Nam hỗ trợ đăng ký thành công thương hiệu "phungphat.vn" để phát triển kinh doanh trái mãng cầu xiêm.
Chị Lê Thị Phụng Em chia sẻ: Lúc đầu tôi nghĩ việc lập website phức tạp và tốn kém, nhưng khi làm thủ tục đăng ký tên miền ".vn" thấy không khó, không tốn nhiều chi phí và được sự hỗ trợ từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang. Việc lập website bán các sản phẩm nông sản rất hữu ích, giúp gia đình có nguồn thu tốt hơn do mở rộng thị trường.
Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang nhận định, đối với các trang thông tin website thì tên miền được hiểu đơn giản là "mặt tiền" của các gian hàng số trên internet. Việc sử dụng tên miền ".vn" góp phần khẳng định thương hiệu, chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng. Ðồng thời, các yếu tố kỹ thuật theo tiêu chuẩn góp phần bảo đảm an toàn, an ninh đối với các gian hàng tên miền quốc gia ".vn" trên internet.
Với hai tỉnh Vĩnh Long và Ðồng Tháp, sau khi triển khai chương trình thúc đẩy tên miền quốc gia ".vn", đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2000 đến 2020, Ðồng Tháp mới chỉ có 838 tên miền ".vn". Từ khi khai trương điểm đăng ký tên miền (tháng 4/2021) đến nay, Ðồng Tháp đã có hơn 950 tên miền ".vn". Tỉnh Vĩnh Long chỉ có 566 tên miền ".vn" được đăng ký từ năm 2000 đến 2020. Tháng 5/2021, Vĩnh Long khai trương điểm đăng ký tên miền và đến nay đã có hơn 660 tên miền ".vn".
Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam, đến cuối tháng 10/2021, số tên miền ".vn" lũy kế đạt hơn 539.000 tên miền, tăng 4,8% so cùng kỳ năm 2020 và vẫn tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng. Hiện, Việt Nam nằm trong tốp 10 châu Á-Thái Bình Dương, đứng thứ 45 toàn cầu (tăng 1 bậc so với năm 2020) về số lượng đăng ký tên miền quốc gia.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho biết: Việc đem tên miền quốc gia ".vn" cùng với các dịch vụ số đến với người dân, học sinh, sinh viên, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, trường đại học, các cơ quan tổ chức để phát triển thương hiệu, nội dung số, thương mại điện tử… sẽ góp phần tăng cường chỉ số đánh giá chuyển đổi số ở địa phương. Tuy nhiên, nhận thức và kỹ năng của người dân, doanh nghiệp tại địa phương về các vấn đề xây dựng thương hiệu, hiện diện, kinh doanh trực tuyến còn hạn chế, cho nên bước đầu khó khăn trong việc tiếp cận và hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký và sử dụng tên miền ".vn".
Giai đoạn 2021-2025, Trung tâm Internet Việt Nam quyết tâm mở rộng thúc đẩy phát triển internet mạnh hơn nữa ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, đẩy mạnh việc đem tên miền quốc gia ".vn" cùng với các dịch vụ số đến người dân một cách thiết thực và hiệu quả nhất. Chương trình sẽ được phát triển với ba hạt nhân tiên phong là Trung tâm Internet Việt Nam, các Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố và các nhà đăng ký tên miền ".vn".
(Theo nhandan.vn)
Tương lai của Internet tại Việt Nam sẽ hứa hẹn nhiều đột phá khi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và nhu cầu chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.