26/12/2024 14:27
1. Tăng trưởng GDP đạt hơn 7%
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của siêu bão Yagi (bão số 3) và kinh tế thế giới nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam đã nỗ lực vượt khó, GDP dự báo tăng trưởng hơn 7%, vượt mục tiêu Quốc hội giao. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiến sát kỷ lục 800 tỷ USD. Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193 quốc gia. Thu hút vốn FDI đạt hơn 31 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới. Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng khoảng 40% so với năm 2023.
2. Xây dựng phương án cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất các bộ ngành kinh tế
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW (Ban chấp hành Trung ương khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, từ đầu tháng 12, các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội khẩn trương xây dựng phương án trình Trung ương trong quý I/2025.
Theo đó, đối với lĩnh vực kinh tế, thực hiện hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính; hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng; hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kết thúc hoạt động với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đồng thời chuyển chức năng, nhiệm vụ về các bộ ngành, cơ quan liên quan; cơ cấu Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
3. Thông qua chủ trương đầu tư, tái khởi động hai dự án quan trọng
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 1.713.548 tỷ đồng và khởi động lại việc đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Dự án Đường sắt tốc độ cao dự kiến sử dụng hình thức đầu tư công, đáp ứng nhu cầu gia tăng và góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách bền vững. Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận được kỳ vọng đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường.
4. Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)
Sáng 18/01, tại Kỳ họp bất thường, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với thời hạn đề ra, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật để thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, nguồn lực đất đai được quản lý, sử dụng hiệu quả. Năm 2024, Quốc hội cũng đã thông qua nhiều dự thảo luật quan trọng nhằm tháo gỡ các "nút thắt" về thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
5. Siêu bão Yagi gây thiệt hại nặng nề
Siêu bão Yagi có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua ở Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta đã gây hậu quả nặng nề, làm 323 người chết, 22 người mất tích, 1.978 người bị thương, thiệt hại vật chất hơn 81.700 tỷ đồng. Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai bị lũ quét san phẳng. Cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt ứng phó, khắc phục hậu quả siêu bão, ổn định cuộc sống cho người dân, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh việc đánh giá, rút ra các bài học kinh nghiệm quan trọng từ công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão lớn như bão số 3, Chính phủ, các bộ ngành cũng đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở… trong thời gian tới.
6. Hoàn thành thần tốc công trình 500kV mạch 3
Hệ thống cột điện thuộc đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN
Ngày 29/8, công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) được khánh thành sau hơn 6 tháng triển khai, xác lập kỷ lục về thủ tục đầu tư và thời gian thi công ngắn nhất. Công trình do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc, ghi dấu ấn tinh thần dân tộc, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, là bài học quý cho triển khai công trình trọng điểm quốc gia.
7. Thực hiện các giải pháp đặc biệt bình ổn thị trường vàng
Thị trường vàng nhẫn có xu hướng giảm nhưng mức chênh lệch giá mua - bán vẫn cao. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện các giải pháp đặc biệt để bình ổn thị trường vàng. Ngày 22/4, NHNN tái khởi động đấu thầu vàng miếng SJC sau 11 năm dừng hoạt động đấu thầu. Sau 9 phiên đấu thầu giúp tăng nguồn cung cho thị trường, NHNN tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn thay thế, chuyển sang phương án bán vàng SJC trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC. Bên cạnh đó, NHNN phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động này.
8. Chấn chỉnh tình trạng bất thường trong đấu giá quyền sử dụng đất
Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN
Năm 2024 xuất hiện những điểm nóng bất thường trong đấu giá quyền sử dụng đất. Điển hình là đầu tháng 8, liên tiếp các phiên đấu giá đất tại các huyện ven Hà Nội thu hút hàng nghìn hồ sơ đăng ký với giá trúng cao nhất hơn trăm triệu đồng một mét vuông (m2). Thậm chí, có phiên giá trúng cao hơn 18 lần giá khởi điểm, vượt giá trị thực so với các lô đất cùng khu vực. Những diễn biến này có dấu hiệu thổi giá, cấu kết thao túng giá để trục lợi, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các chỉ đạo địa phương, bộ ngành và cơ quan chức năng chấn chỉnh việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, ngăn chặn hành vi đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
9. Khai trương mạng 5G, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Ngày 15/10, Viettel khai trương mạng 5G, đánh dấu sự có mặt chính thức của dịch vụ này tại Việt Nam. Là một trong những trụ cột của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng số, trong đó có mạng 5G, tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế-xã hội thông qua thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng năng suất trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2024, Việt Nam đã triển khai thành công 49/76 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kích hoạt trên 57,9 triệu tài khoản VNeID và tạo lập 32,1 triệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân.
10. VNDirect và PVOIL bị tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền
Ngày 25/3, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect bị tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware). Tiếp theo đó, ngày 2/4, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) bị tấn công theo cách tương tự. Các vụ tấn công này khiến hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp bị ngừng trệ, gây thiệt hại lớn.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cuộc tấn công ransomware nhắm vào nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, năng lượng, viễn thông… Đây là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao nhận thức về an toàn thông tin và có giải pháp bảo vệ hệ thống trước các mối đe dọa an ninh mạng.
Theo baotintuc.vn
Ngày 23/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Hoàng ký ban hành Công văn số 6586/UBND-NN “về việc triển khai thực hiện Thông tư số 22/2024/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.