28/06/2021 16:32
Quầy bán trái cây của tiểu thương Đặng Thị Lan (trái).
Bà Đặng Thị Lan, chuyên kinh doanh mặt hàng trái cây ở chợ Hòa Thuận, huyện Châu Thành cho biết: so với thời điểm dịch bệnh năm 2020, sức mua, sức bán năm nay giảm mạnh. Trước đây, bà thu mua 100kg trái cây các loại bày bán hàng ngày tại chợ, mùa dịch bệnh năm nay tiềm ẩn nguy cơ cao, người dân hạn chế mua sắm, trong khi đó, kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu chỉ mua những thứ cần thiết nên sức bán giảm mạnh, khoảng 70%.
Do không có đất sản xuất, hơn 20 năm kinh doanh mặt hàng trái cây tại chợ Hòa Thuận, tiền thu nhập của hai mẹ con bà dựa vào nghề kinh doanh mặt hàng trái cây. Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng bà tranh thủ thu mua 30 - 40kg trái cây bày bán tại chợ Hòa Thuận. Trong quá trình buôn bán, khách hàng lui tới thường xuyên nên cẩn thận đeo khẩu trang trong suốt thời gian buôn bán và trang bị dung dịch khử khuẩn khô vệ sinh tay thường xuyên để phòng, chống dịch bệnh.
Tiểu thương Thạch Thị Mai ở xã Hòa Lợi chia sẻ, 02 tháng gần đây bà không dám mua rau cải nhiều, bởi buôn bán ế ẩm, hàng ngày bà thu mua 50kg rau cải các loại như rau muống, cải ngọt, xà lách, chanh, khoai mỡ, ớt, cà chua, mỗi loại vài ký để bày bán, ngày nào bán ế thì bà mua nước đá ướp rau cải trong thùng lạnh để mai bán tiếp; ngày nào bán đắt, lợi nhuận trên 100.000 đồng, ngày nào bán ế thu từ 50.000 - 70.000 đồng. Với bà Mai, kinh doanh mặt hàng rau cải thuận lợi là mặt hàng cần thiết của người tiêu dùng hàng ngày, mặt khác vốn đầu tư không nhiều.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại chợ Cầu Ngang, những quầy hàng kinh doanh quần áo, giày dép và các quầy bán đồ lưu niệm, phụ kiện trang sức cũng trong tình trạng ế ẩm, chỉ có mặt hàng hải sản, rau củ quả có khách lai rai từ sáng tới trưa. Thời điểm chưa có dịch bệnh Covid-19, mặt hàng trang sức nữ của tiểu thương Nguyễn Thị Thanh Tuyền, thị trấn Cầu Ngang luôn tấp nập khách hàng, chủ yếu là thành phần nữ sinh và giới trẻ, nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19 năm 2021 diễn biến phức tạp, khách hàng đến đây gần như không có hoặc thi thoảng có vài người khách, doanh thu thấp, thậm chí không có.
Bà Tuyền cho biết: vì mong muốn có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nên hàng ngày bà mở cửa quầy bày hàng hóa như nón bảo hiểm, nón vải, phụ kiện trang sức nữ ra buôn bán. Năm trước, thời điểm dịch bệnh Covid-19 sức bán lai rai, thu nhập 150.000 - 200.000 đồng/ngày, năm 2021, sức bán giảm mạnh, thậm chí bán không được. Năm trước mặt hàng nào bán hết, thì bà nhập bổ sung thêm để đa dạng các loại, năm nay do dịch bệnh nên từ đầu năm đến giờ không dám nhập hàng thêm. Bên cạnh đó, nhờ kinh doanh những mặt hàng như nón bảo hiểm, nón vải, giới chân, găng tay và phụ kiện trang sức nữ nên dù sức mua giảm nhưng hàng hóa không bị hư hỏng.
Theo bà Tuyền, kinh tế gia đình xưa nay sống bằng nghề kinh doanh, những năm trước khi chưa có dịch bệnh xảy ra, việc kinh doanh thuận lợi, lợi nhuận khá, tích lũy được số vốn, nên khi dịch bệnh xảy ra trong thời gian kinh doanh ế ẩm, cũng có tiền tích lũy chi tiêu hàng ngày…
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội. Đối với các tiểu thương trong chợ không chỉ ảnh hưởng việc kinh doanh, doanh thu, thu nhập, ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Vì vậy, mong địa phương và ngành thuế xem xét chia sẻ với các tiểu thương để vượt qua khó khăn trong tình hình dịch bệnh Covid-19, duy trì sản xuất, kinh doanh.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.