29/05/2023 08:36
Bài 1: Phát triển chăn nuôi trong thời kỳ hội nhập
Trong điều kiện bình thường hiện nay ở Trà Vinh có khả năng phát triển mạnh nghề nuôi bò. Đối với bò thịt có thể nuôi thâm canh các giống bò thuần nguồn gốc nhiệt đới như: Red Sindhi, Sahiwal, Brahma, Droughtmaster, Crymousine... hoặc con lai giữa bò lai Sindhi với các giống cao sản như Red-Angus, Charolais, Limousin, Hereford, Droughtmaster, bò BBB - Blance Bleu Belge - 3B.
Với các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, Trà Vinh có nhiều thuận lợi phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm gần đây, tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư về phổ biến giống mới, gieo tinh nhân tạo để cải tạo chất lượng đàn vật nuôi. Đến nay trên 80% bò cái được gieo tinh nhân tạo, gồm Sind, Brahman, Charolais, Angus, Droughtmaster,… Phần lớn trên địa bàn tỉnh có 50 - 60% hộ nuôi bò nhốt chuồng. Hàng năm phụ phẩm có được từ sản xuất nông nghiệp như rơm rạ 01 triệu tấn; lá mía, ngọn mía, bả mía, rỉ mật đường khoảng 5.000 tấn; thân đậu phộng 10.000 tấn; thân lá bắp trên 15.000 tấn; cỏ tự nhiên trên 300.000 tấn là nguồn thức ăn phong phú để nuôi bò.
Ngoài ra người dân còn tận dụng đất sản xuất kém hiệu quả, bờ mương,… để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 50% hộ nuôi bò có trồng cỏ với giống cỏ trồng chủ yếu là giống địa phương, cỏ voi, cỏ sả, cỏ zuri, năng suất bình quân khoảng 70 tấn/ha/năm, ước sản lượng khoảng 220.000 tấn. Trong quá trình nuôi bò, một số hộ còn sử dụng thức ăn công nghiệp, cháo, đá liếm,… để cung cấp dinh dưỡng khi bò sinh sản hoặc nuôi bò vỗ béo nhưng số lượng chưa nhiều. Bên cạnh đó, hàng năm lượng chất thải từ chăn nuôi khá nhiều, ở bò hầu hết các hộ nuôi đều phơi chất thải phân tán và đây là nguồn thu nhập đáng kể, bình quân người nuôi có thể thu nhập từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/con/năm. Vì vậy, có thể nói những năm gần đây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi giảm đáng kể.
Bà Thạch Thị Đèo, ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc tích trữ phụ phẩm nông nghiệp để nuôi bò.
Hộ bà Thạch Thị Đèo, ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải nuôi bò từ năm 1999 đến nay. Do gần khu dân cư nên chuồng trại chỉ duy trì từ 03 - 05 con. Sau nhiều năm nuôi bò thấy được hiệu quả kinh tế cao, nhẹ công chăm sóc, giá bò tăng cao nên bà tăng đàn nuôi lên 10 - 12 con. Trong số đó có 04 con bò sinh sản. Để nhẹ chi phí trong chăn nuôi, bà kháp rượu lấy phụ phẩm (hèm rượu) và tận dụng diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò. Ngoài ra, bà mua phụ phẩm từ cây đậu phộng, rơm rạ chủ động nguồn thực phẩm phục vụ đàn bò nuôi. Để hạn chế rủi ro trong chăn nuôi trong điều kiện biến đổi khí hậu, chuồng trại vệ sinh thông thoáng, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin giúp bò khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh.
Bà Đèo cho biết thêm: nuôi bò sinh sản, quan trọng chọn giống bò tốt, vì thế gia đình bà chọn giống bò lai 3B để phối giống, bò sinh ra có vóc cao, to khỏe bán được giá cao. Trước đây, mỗi con bò sinh sản ra bê con nuôi trong vòng 06 - 08 tháng, xuất bán cho lợi nhuận khoảng 10 - 12 triệu đồng/con, 02 năm gần đây, do ảnh hưởng dịch bệnh nên giá bò sụt giảm mạnh. So với các hộ nuôi khác, gia đình bà tận dụng hèm rượu và thức ăn sẵn có tại địa phương để nuôi bò. Do đó, giảm chi phí, mỗi đợt xuất bán vẫn đạt lợi nhuận. Vừa qua bà bán 03 con bò thịt với tổng thu nhập 105 triệu đồng, lợi nhuận gần 50 triệu đồng.
Hay mô hình nuôi bò theo hình thức gia trại của nông dân Khmer Hồ Văn Phước, ấp Sóc Mới, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang từ hộ khó khăn đã vươn lên trở thành hộ khá của ấp. Do giá bò sụt giảm nên chỉ duy trì khoảng 20 - 24 con bò sinh sản và bò thịt.
Ông Phước cho biết: nuôi bò sinh sản chọn giống 3B phối giống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với 11 con bò mẹ hàng năm sinh sản khoảng từ 06 - 07 con, mỗi con bò mẹ sinh sản bò bê đực có vóc to khỏe, nuôi thúc từ 01 - 1,5 năm bán được giá cao khoảng 35 - 40 triệu đồng/con, còn bò bê cái ông tuyển lựa nuôi từ 06 tháng trở lên có thể xuất bán. Bình quân xuất bán bò thịt và bò con từ 04 - 05 con/năm.
Ngoài việc nuôi bò, ông còn canh tác gần 02ha đất trồng lúa, trồng màu, trồng cỏ nuôi bò với tổng lợi nhuận từ 100 - 120 triệu đồng/năm. Với ông Phước, bò là con nuôi chính của gia đình, vì thế, ông đầu tư trên 0,2ha đất xây dựng chuồng trại, nhà tiền chế để trữ rơm, cây đậu phộng làm thức ăn cho bò. Trong 1,6ha đất canh tác lúa - màu, có đến 0,6ha đất trồng cỏ để nuôi bò, diện tích còn lại ông đầu tư trồng 02 vụ đậu phộng, dưa hấu và 01 vụ lúa lấy phụ phẩm nông nghiệp nuôi bò. Với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp nên vào mùa mưa khó chủ động rơm rạ và mua với giá cao, nên ngoài phụ phẩm nông nghiệp tự chủ động, ông mua trữ 1.000 cuộn rơm để đảm bảo thức ăn cho bò trong mùa mưa.
Đồng chí Thạch Ru La, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn cho biết: bò là vật nuôi có thế mạnh của xã được xác định là vật nuôi chính và ưu tiên phát triển với tổng đàn 4.989 con. Với tình hình giá bò sụt giảm như hiện nay, việc phấn đấu hàng năm đàn bò đạt 7.000 con là khó khăn, trong khi đó tình hình biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập ngày càng phức tạp ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nông nghiệp. Mặc dù về chăn nuôi chưa chịu tác hại lớn của biến đổi khí hậu nhưng giá bò hiện đang giảm mạnh đã ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Thời gian tới, xã tập trung phát triển chăn nuôi gắn với công tác nâng cao chất lượng con giống, tầm vóc đàn bò, tăng cường các hoạt động dịch vụ thú y để chăn nuôi phát triển bền vững an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Phát huy thế mạnh, tiềm năng của từng tiểu vùng, bố trí cây trồng phù hợp và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm chủ động cung cấp thức ăn cho đàn bò; đồng thời khuyến khích cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cỏ, góp phần nâng cao nguồn phụ phẩm phục vụ chăn nuôi hạn chế chi phí đầu vào, cải thiện thu nhập.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.