18/09/2022 13:53
Ông Đặng Minh Bé kiểm tra dừa sáp cấy phôi trước khi thu hoạch.
Đưa dừa sáp cấy phôi ra thị trường ngoài nước
Đó là tâm huyết của nông dân Đặng Minh Bé, ấp Bình La, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành đã thành công mô hình trồng dừa sáp cấy phôi chuyển đổi trên đất trồng lúa.
Quê hương ông Bé ở huyện Cầu Kè, sau khi về ấp Bình La lập nghiệp, ông nghiên cứu học hỏi và áp dụng thành công mô hình trồng dừa sáp cấy phôi thử nghiệm trên 01ha đất lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao từ năm 2014 cho đến nay. Hiện nay, ông Bé đã mở rộng trồng dừa sáp cấy phôi đến 03ha, với 600 gốc, trong đó có 400 gốc dừa sáp đang cho trái, bình quân khoảng 27 ngày thu hoạch 01 lần, sản lượng đạt từ 2.500 - 3.500 trái, giá bán từ 100.000 - 200.000 đồng/trái tùy giá biến động theo mùa, bình quân dừa sáp cho thu nhập hơn 01 triệu đồng/cây/tháng. Để đưa sản phẩm dừa sáp ra thị trường ngoài nước, ngoài cung cấp sản phẩm dừa sáp thô, ông còn chế biến mứt và kẹo dừa sáp, đồng thời phát triển lên doanh nghiệp gần 10 năm nay.
Ông Bé cho biết: đa số sản phẩm dừa sáp thô và các loại kẹo, mứt dừa sáp của doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường châu Á. Ngoài trồng và chế biến sản phẩm dừa sáp, ông còn cung cấp giống dừa sáp cấy phôi và thu mua sản phẩm sau thu hoạch của nông dân để cung cấp thị trường trong và ngoài nước, giải quyết việc làm khoảng 30 lao động.
Để góp phần nâng cao chuỗi giá trị dừa sáp của tỉnh nói chung, đưa sản phẩm dừa sáp ra thị trường ngoài nước bền vững của doanh nghiệp nói riêng, ông dự kiến thuê thêm đất mở rộng diện tích trồng dừa sáp cấp phôi và đã đầu tư toàn bộ hệ thống thiết bị dây chuyền sản xuất bánh, kẹo dừa sáp và một số mỹ phẩm, dược phẩm… nhằm nâng cao thu nhập, vừa giải quyết đầu ra sản phẩm dừa sáp cho nông dân, vừa tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Ông Bé cho biết thêm: dừa sáp trồng theo cách truyền thống hiệu quả không cao bằng trồng dừa sáp cấy phôi, thông thường chỉ cho trái từ 02 - 03 trái sáp/buồng. Dừa sáp cho năng suất trung bình 43 quả/cây/năm với tỷ lệ sáp từ 10 - 20%, còn giống dừa sáp cấy phôi tỷ lệ sáp đạt 70 - 90%, có thể tăng gấp 05 - 10 lần so với cây dừa sáp trồng truyền thống.
Trồng dừa sáp cấy phôi khoảng 03 năm bắt đầu thu hoạch, những năm đầu ông trồng xen chuối và hoa màu khác, nhưng khi dừa bắt đầu cho trái thu hoạch, không nên trồng xen các loại cây trồng khác, đồng thời tạo môi trường thông thoáng hạn chế sâu bệnh gây hại, thường xuyên thăm vườn để có biện pháp phòng trị kịp thời. Điều quan trọng trồng thưa cây cách cây khoảng 07m, bón phân đúng, đủ hợp lý theo mùa dừa rất say trái.
Theo ông Trang Tửng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, trong 722,5ha dừa sáp, có khoảng 65,8ha dừa sáp nuôi cấy phôi tập trung ở huyện Cầu Kè 714,4ha (dừa sáp phôi 60ha, tương đương 1.521 cây tập trung ở xã Thông Hòa 280 cây, Phong Phú 846 cây, Hòa Tân 395 cây), huyện Châu Thành 8,1ha (sáp phôi 5,8ha). Trong đó có 70ha dừa sáp đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, tỷ lệ dừa sáp thường đạt từ 20 - 25%, tương đương 1,88 triệu trái sáp/năm; tỷ lệ sáp của dừa nuôi cấy phôi đạt từ 75 - 80%, tương đương 420.000 trái sáp/năm.
Tỉnh đang thực hiện xây dựng nhãn hiệu độc quyền dừa sáp Cầu Kè và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho sản phẩm trái dừa sáp. Đây là cơ sở để phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của ngành hàng dừa trên địa bàn tỉnh. Không chỉ tập trung phát triển mạnh cây dừa sáp, các địa phương trong tỉnh còn chú trong việc phát triển dừa hữu cơ gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Liên kết sản xuất dừa hữu cơ
Hiện trên địa bàn tỉnh có 4.012ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA, trong đó có 260ha đạt 06 tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA, Nhật - JAS, ÚC - ACO, Thụy Điển - KRAV và GlobalGAP, chiếm 16% diện tích dừa của tỉnh. Hầu hết các diện tích này đã được liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm từ 10 - 15%.
Từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp chế biến dừa của tỉnh Bến Tre như Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, Công ty Cổ phần chế biến dừa Á Châu, Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong đã liên kết xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ tại tỉnh Trà Vinh và mở rộng vùng nguyên liệu hữu cơ đạt chuẩn EU, USDA.
Sắp tới, các công ty này định hướng mở rộng xây dựng 600ha dừa hữu cơ tại huyện Châu Thành và 1.500 - 2.000ha tại huyện Càng Long; phối hợp với Công ty TNHH chế biến dừa sáp (Vicosap) xây dựng 1.000ha dừa hữu cơ gắn với xưởng sơ chế tại Cầu Kè. Riêng Công ty Cổ phần Trà Bắc (Trà Vinh) xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ 310,5ha tại xã Ngãi Hùng, Tân Hùng, Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần.
Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong đã liên kết xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ tại xã Lương Hòa, với 550ha, với 523 hộ tham gia, hiện nay đang trong quá trình hoàn thành các thủ tục và tiến hành thu mua.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào, ấp Ba Se B, xã Lương Hòa là một trong những hộ dân tham gia liên kết sản xuất trồng dừa hữu cơ cho biết: nhận thấy xu hướng phát triển trồng dừa hữu cơ hiện nay tạo sản phẩm nông nghiệp sạch, đầu ra ổn định, giá bán cao hơn thị trường từ 5.000 - 10.000 đồng/chục dừa. Vì thế, sau khi phát động gia đình bà tích cực tham gia và thực hiện trồng dừa hữu cơ từ tháng 10/2021 cho đến nay. Do thủ tục chưa hoàn chỉnh nên hiện nay Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong chưa tiến hành thu mua, nhưng với 1,1ha dừa trồng theo cách truyền thống nay đã thực hiện sang quy trình canh tác hữu cơ với 250 gốc, trong đó có 0,8ha dừa đang cho trái khoảng 2.500 - 3.000 trái/tháng, giá từ 30.000 - 35.000 đồng/chục. Ngoài ra, bà trồng xen thêm 0,5ha hoa vạn thọ vào những cây dừa chưa cho trái nhằm tăng thêm thu nhập, góp phần trang trải chi phí phân bón cho cây dừa và sinh hoạt hàng ngày.
Có thể nói, trồng dừa sáp, dừa hữu cơ giá trị kinh tế ngày càng được nâng lên khi có nhiều sản phẩm được chế biến, đặc biệt là dừa sáp. Vì thế, tỉnh tập trung phát triển ổn định 750ha dừa sáp đặc sản, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho dừa sáp Cầu Kè, đầu tư nghiên cứu giống dừa mới cho tỷ lệ sáp cao hơn. Mở rộng diện tích trồng và cải tạo dừa bị lão hóa khoảng 5.000ha tại các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chiến lược phát triển sản xuất và chế biến của doanh nghiệp.
Trong đó, nhiệm vụ thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo liên kết để phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ hàng đầu, đặc biệt phát triển vùng nguyên liệu dừa ở các địa phương có tiềm năng, vùng tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp đầu chuỗi. Tiếp tục phối hợp với tỉnh Bến Tre và các trường đại học để nghiên cứu chọn giống tốt, năng suất cao, phù hợp với thị trường, mục tiêu của doanh nghiệp đầu chuỗi nhằm nhân rộng, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.