29/03/2022 07:17
Sản xuất tơ xơ dừa của Công ty TNHH MTV Út Mừng.
Một trong những giải pháp thúc đẩy kinh doanh phát triển DN do phụ nữ làm chủ được Hội LHPN tỉnh chủ động xây dựng các hoạt động theo kế hoạch Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Hàng năm, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Dự án SME Trà Vinh tổ chức phát động ngày phụ nữ khởi nghiệp, tổ chức tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp giúp phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp. Một trong những hoạt động quan trọng xuyên suốt thực hiện đề án mà Hội chú trọng là tổ chức phát động hội thi ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp nhằm tìm kiếm các dự án/ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng để hỗ trợ hiện thực hóa.
Qua 04 năm phát động hội thi đã thu hút 418 phụ nữ có ý tưởng, dự án dự thi. Kết quả có 49 ý tưởng khả thi được Hội LHPN tỉnh vinh danh và khen thưởng, trong đó, có 14 ý tưởng, dự án khả thi tham gia “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Trung ương Hội LHPN phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ phát động, kết quả có 01 ý tưởng đạt giải đề án tiêu biểu “Khởi nghiệp với các sản phẩm giá trị gia tăng từ “mật hoa dừa”; đồng thời, đưa 03 tác giả Dự án khởi nghiệp của phụ nữ tham dự Chương trình Việt Nam Startup Day (khởi nghiệp) do Dự án SME Trà Vinh kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Theo bà Trịnh Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, để cải thiện cơ chế và quy trình hỗ trợ, ưu tiên và khuyến khích phụ nữ, DN khởi nghiệp theo mô hình kinh tế tập thể, thời gian qua các cấp Hội hỗ trợ thành lập 281 tổ hợp tác, 05 HTX sản xuất, trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, thủy sản do phụ nữ quản lý. Được sự hỗ trợ từ Dự án SME Trà Vinh, hàng năm Hội LHPN tỉnh tổ chức các chuyến học tập, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh cho các DN, phụ nữ khởi nghiệp.
Ngoài ra, Hội tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho trên 100 phụ nữ khởi nghiệp và DN nữ thông qua các hình thức như tham gia hội chợ, phiên chợ tại địa phương; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, máy móc thiết bị, nhà xưởng,… tạo điều kiện giúp 05 nữ DN kết nối thị trường và quảng bá sản phẩm. Hội phối hợp với dự án và các công ty, DN trong và ngoài tỉnh hỗ trợ tổ chức 75 lớp đào tạo nghề đan giỏ lục bình cho 1.065 chị với số tiền 861,4 triệu đồng, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi nông thôn; thành lập 03 cửa hàng giới thiệu tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ khởi nghiệp.
Trong bối cảnh ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19, các kênh bán hàng truyền thống cũng như việc vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến sản lượng tiêu thụ bị hạn chế, do đó, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đưa các sản phẩm phụ nữ quảng bá và tiêu thụ trên mạng xã hội.
Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh được Dự án SME Trà Vinh hỗ trợ 1,7 tỷ đồng triển khai hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát triển DN; tranh thủ các nguồn vốn khác hỗ trợ mới 722 chị khởi nghiệp, 15 hợp tác xã, DN tiêu biểu thực hiện hoạt động kinh doanh, tổng kinh phí gần 7,1 tỷ đồng. Tuyên truyền vận động 374 chị đăng ký kinh doanh, trong đó 54 chị đăng ký kinh doanh hộ gia đình, có 320 chị đăng ký lên DN, nâng đến nay đã có 830 DN nữ.
Điển hình như bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Út Mừng là một trong những nữ DN nhỏ và vừa hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết đầu ra sản phẩm dừa và việc làm lao động địa phương. Bà Thúy cho biết: thời gian qua Công ty được dự án hỗ trợ khá nhiều về vốn, tập huấn, học tập kinh nghiệm ở một số DN trong và ngoài nước để xúc tiến thương mại và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc.
Tuy nhiên hiện nay tình hình hoạt động còn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên Công ty còn tồn đọng sản phẩm khá nhiều. Vì thế, Công ty mong dự án và các ngành liên quan hỗ trợ Công ty được xúc tiến thương mại ở nhiều nơi có thêm những hợp đồng mới, nhất là hy vọng được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Canada. Thời gian gần đây do dịch bệnh nên chi phí xuất khẩu hàng hóa tăng cao, trong khi đó đơn đặt hàng giảm. Mặc dù hàng hóa còn tồn nhiều trong kho nhưng Công ty vẫn duy trì lực lượng lao động và hướng tới sẽ mở thêm dây chuyền sản xuất thêm sản phẩm chậu xơ dừa để tranh thủ hàng hóa chưa xuất khẩu được thì có thể xuất bán ở thị trường nội địa nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động.
Để hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ngày càng hiệu quả, thời gian tới, Hội tiếp tục phối kết hợp với các sở, ngành có liên quan đào tạo bồi bưỡng nguồn nhân lực tham gia quản lý tổ hợp tác, hợp tác xã. Tranh thủ các chương trình dự án, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội về khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ vốn vay đa dạng và phù hợp theo nhu cầu đầu tư của thành viên, từ đó thu hút được nhiều người tham gia vay vốn hỗ trợ phát triển kinh tế khởi nghiệp. Thực hiện hỗ trợ tài chính song song với hỗ trợ phi tài chính cho thành viên. Chú trọng công tác định hướng ngành nghề khởi nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương theo hướng liên kết để xây dựng, nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm…; trực tiếp tư vấn, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.