31/05/2023 08:02
Bài 2: Giá bò giảm, người dân gặp khó
Nông dân Thạch Bạc, ấp Vàm Buôn, xã Ngãi Xuyên chăm sóc bò vỗ béo.
Giá bò giảm, người dân gặp khó
Nuôi bò là nghề truyền thống của người dân, đặc biệt là từ trước đến nay một bộ phận đồng bào Khmer trong tỉnh lấy chăn nuôi bò làm thu nhập chính. Tuy nhiên khi giá bò giảm kéo dài trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, nhưng người dân vẫn duy trì đàn bò nuôi và chờ cơ hội thị trường ổn định lại.
Điển hình như gia đình bà Thạch Thị Na Ri, ấp Vàm Buôn, xã Ngãi Xuyên cũng như những gia đình khác trong ấp xây dựng chuồng trại nuôi 09 con bò sinh sản. Bà Na Ri cho biết với 0,7ha lúa sản xuất 03 vụ/năm nhưng không đủ rơm rạ phục vụ 09 con bò sinh sản. Vì vậy, hàng năm bà mua thêm rơm tích trữ và trồng 0,2ha cỏ đảm bảo nguồn thức ăn cho bò.
Theo bà Ri, bò là lợi thế của gia đình, bò bê đực từ khi sinh sản được nuôi khoảng 02 - 03 năm tuổi xuất bán, còn bò đực mua về vỗ béo từ 03 - 05 tháng có thể xuất bán. Giá bò sụt giảm, kéo dài thời gian vỗ béo, phần lớn chủ yếu lấy công làm lời, nhưng gia đình vẫn duy trì và tận dụng rơm rạ, cỏ trồng để nuôi bò nên nhẹ chi phí đầu vào và chờ thị trường có giá xuất bán. Song với đặc thù là vùng nông thôn gia đình bà cũng như những gia đình khác trong ấp lấy chăn nuôi bò làm nguồn thu nhập chính, nhất thời điểm xuống giống vụ lúa mới có bò xuất bán, khi gia đình cần tiền để đầu tư vụ mới và trang trải sinh hoạt, mua sách vở cho các con đến trường.
Đồng chí Nguyễn Khánh Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Ngãi Xuyên cho biết: là xã có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, có đông đồng bào Khmer sinh sống chiếm 52% và vùng có điều kiện phát triển nghề nuôi bò lớn nhất của huyện. Ngoài sản xuất lúa, phần đông đồng bào Khmer dựa vào nghề nuôi bò sinh sản, vỗ béo nhốt chuồng, vì vậy hầu hết đồng bào Khmer trên địa bàn đều xây dựng chuồng trại để nuôi nhốt bò với tổng đàn gần 5.000 con. Nhiều năm qua, nghề nuôi nhốt bò thịt, bò sinh sản của người dân nơi đây đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, giảm nghèo ở địa phương. Từ nghề nuôi bò đã giúp không ít hộ dân trong xã vươn lên trở thành hộ khá.
Tuy nhiên do biến động về giá, tình hình biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt là diện tích đồng cỏ chăn thả thu hẹp, giá bò giảm sâu khiến cho người nuôi mất hoặc giảm nguồn thu nhập. Song địa phương vẫn tuyên truyền, vận động người nuôi bò tiếp tục duy trì con nuôi này, chờ cơ hội thị trường có giá xuất bán; đồng thời khắc phục khó khăn bằng phương thức tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như lục bình dùng để nấu cháo, hạn chế thức ăn công nghiệp, tận dụng diện tích kém hiệu quả trồng cỏ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bò nuôi, nhằm giảm chi phí đầu vào, cải thiện thu nhập.
Chăn nuôi phải lấy thị trường làm trung tâm
Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, ngành chăn nuôi phải lấy thị trường làm trung tâm, phải thực hiện liên kết chuỗi, sản xuất sản phẩm sạch với giá thành rẻ thì mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.
Nông dân Thạch Bạc, ấp Vàm Buôn, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú là một trong những hộ nuôi bò đồng thời chuyên mua bán bò. Ông Bạc cho biết, gia đình ông xây dựng chuồng trại nuôi 08 con bò thịt, vỗ béo khoảng 12 - 15 tháng xuất bán, lợi nhuận từ 10 - 12 triệu đồng/con. Những năm trước, khi giá bò ổn định và có thời điểm tăng cao, mỗi năm xuất bán từ 07 - 10 con, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên thời gian gần đây, giá bò sụt giảm, nhưng giá bò thịt vẫn dao động bình quân từ 25 - 30 triệu đồng/con, có con bò thịt vóc dáng to khỏe, trọng lượng lớn trở lên giá bán lên đến 35 - 40 triệu đồng/con. Với 08 con bò thịt nuôi vỗ béo hiện nay do thị trường biến động nên lợi nhuận hơn 80 triệu đồng/năm.
Nuôi bò chủ yếu lấy công làm lời, dù giá bò giảm nhưng kéo dài thời gian nuôi và chờ thị trường tăng giá có thể xuất bán. Quan trọng trong quá trình nuôi phải thường xuyên tiêu độc khử trùng vệ sinh chuồng trại, giúp bò nuôi nhốt có môi trường sống khỏe. Hơn nữa chất thải từ nuôi bò đem phơi bán, từ đó mua rơm, giảm chi phí chăn nuôi, cải thiện thu nhập. Song song đó, ông tập trung sản xuất 1,4ha đất lúa 03 vụ/năm để có thêm phụ phẩm rơm dự trữ làm thức ăn cho bò.
Theo đồng chí Nguyễn Khánh Hòa, thời gian qua, nghề nuôi bò của xã phát triển không theo quy luật cung cầu mà chạy theo tín hiệu thị trường. Khi thị trường tăng, chăn nuôi phát triển ào ào, thị trường giảm thì để lại hậu quả dư thừa, mất giá. Khó khăn hiện nay là thiếu sự phân phối giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, gây khó khăn cho người nuôi và tạo ra tâm lý không muốn tái đàn, dẫn tới giá biến động.
Bên cạnh đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi chưa nhiều, người nuôi chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống, kinh nghiệm truyền miệng, số đầu con/hộ nuôi không cao. Huyện, xã không có cơ sở chuyên nuôi cung cấp giống thuần, giống thường lai tạp từ nhiều giống nên chất lượng không đồng đều, người dân thường nuôi theo giống khuyến cáo của thương lái.
Với những khó khăn và thách thức trên, thời gian tới, xã thành lập tổ hợp tác nuôi bò liên kết trong sản xuất chăn nuôi nhằm tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ gắn với thương hiệu, nhãn hiệu, hạn chế trao đổi qua trung gian, giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển chăn nuôi bò bền vững.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.