19/04/2022 06:01
Đầu tháng 4/2022, đoàn công tác của lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh đã có chuyến xúc tiến mời gọi đầu tư tại tỉnh Bến Tre. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh (5/1992 - 5/2022).
Xơ tơ dừa, nguồn nguyên liệu để phục vụ dệt thảm xơ dừa xuất khẩu của Công ty TNHH Út Mừng, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long.
Tại tỉnh Bến Tre, đoàn đến tìm hiểu hoạt động của các doanh nghiệp (DN): Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Betrimex Bến Tre (Lộ K, Cụm Công nghiệp - Trung tâm Công nghiệp Phong Nẫm, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm); Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Lô A36, A37, Khu Công nghiệp An Hiệp, ấp Thuận Điền, xã An Hiệp, huyện Châu Thành); Công ty Cổ phần chế biến dừa Á Châu (Lô El-2, EI-3 và EL-4, Khu Công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành) và Công ty TNHH Chế biến Nông sản Thuận Phong (Số 334, ấp Long Hòa, xã Giao Long, huyện Châu Thành). Qua đó, đoàn công tác của tỉnh mong muốn các DN đầu tư vào Trà Vinh, nhất là lĩnh vực nâng cao chuỗi giá trị kinh tế dừa, vì 02 tỉnh có tính tương đồng.
Trong chuyến xúc tiến mời gọi đầu tư, đã mở ra hướng đi mới cho tiềm năng thế mạnh của cây dừa Trà Vinh, nhất là thực hiện liên kết sản xuất ngành hàng dừa. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Betrimex Bến Tre đã xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ tại tỉnh Trà Vinh từ năm 2016; đến nay, Công ty đã thực hiện đánh giá chứng nhận và tái chứng nhận 1.383ha dừa hữu cơ đạt chứng nhận EU, USDA (trong đó có 260ha đạt 06 tiêu chuẩn (châu Âu - EU, Mỹ - USDA, Nhật - JAS, Úc - ACO, Thụy Điển - KRAV và GlobalGAP), tập trung tại huyện Càng Long 763ha (xã Đại Phước 327ha, xã Đại Phúc 436ha); Tiểu Cần 620ha (Hùng Hòa 400ha, Ngãi Hùng 230ha).
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Bến Tre là một trong những tỉnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã, đang có giao thương kinh tế mạnh, hiệu quả với tỉnh Trà Vinh, tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ DN của tỉnh Bến Tre đến đầu tư.
Theo đó, ngày 07/4/2022, ông Thái Văn Chuyện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Betrimex Bến Tre đã đến Trà Vinh, đoàn có buổi khảo sát thực địa tại ấp Từ Ô 1, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần tìm hiểu về vị trí đầu tư nhà máy sơ chế các sản phẩm từ dừa, làm nền tảng tiến tới thành lập nhà máy chế biến dừa, hỗ trợ tiêu thụ nguồn nguyên liệu dừa cho nông dân Trà Vinh.
Theo ông Thái Văn Chuyện, Công ty sớm triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án để tổ chức thi công. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kinh doanh, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong quá trình liên kết phát triển vùng nguyên liệu, cạnh tranh công bằng tiêu thụ sản phẩm, cùng phát triển và cùng có lợi. Sau buổi thương thảo một số vấn đề liên quan, 02 bên đã ký biên bản ghi nhớ làm căn cứ để hợp tác chặt chẽ trong suốt quá trình thực hiện dự án tại Trà Vinh.
Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, đã triển khai xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ 150ha tại xã Long Đức, thành phố Trà Vinh. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ sở tại địa phương phối hợp thu mua cho Công ty, nên vùng này chưa được chứng nhận hữu cơ. Hiện Công ty đang phối hợp với Công ty Chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) định hướng xây dựng 1.000ha dừa hữu cơ gắn với xưởng sơ chế tại Cầu Kè.
Công ty Cổ phần Chế biến dừa Á Châu, năm 2020 bằng nguồn vốn của dự án phát triển DN nhỏ và vừa (Dự án SME Trà Vinh), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ Công ty xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ gần 221ha tại xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần.
Công ty TNHH Chế biến Nông sản Thuận Phong, cũng năm 2020, đã xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ 523ha tại xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành. Hiện nay, bằng nguồn vốn của Dự án SME Trà Vinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ Công ty xây dựng 200ha dừa hữu cơ tại 03 xã: Nguyệt Hóa, Song Lộc, Thanh Mỹ, huyện Châu Thành. Công ty sẽ mở rộng 600ha tại huyện Châu Thành và từ 1.500 - 2.000ha tại huyện Càng Long.
Việc xúc tiến mời gọi đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến dừa của tỉnh góp phần tăng tỷ trọng tương xứng trong ngành công nghiệp chế biến. Không chỉ cung ứng trái dừa ra thị trường làm nước giải khát, thực phẩm, từ nguyên liệu của cây dừa, mà còn sản xuất được nhiều loại sản phẩm. Phần lớn các sản phẩm của ngành chế biến dừa sẽ nâng giá trị gia tăng cao hơn hiện nay: cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa đóng hộp, than hoạt tính, dầu dừa tinh khiết... sẽ tận dụng tất cả những phụ phẩm từ cây dừa để sản xuất, chế biến các sản phẩm xuất khẩu, góp phần làm tăng giá trị cho cây dừa Trà Vinh. |
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh khẳng định: xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm từ dừa bước đầu đã được các DN tỉnh Bến Tre thực hiện hiệu quả. Chúng tôi sẽ học tập kinh nghiệm của tỉnh Bến Tre về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hỗ trợ hình thành các mô hình hợp tác để giúp người dân liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ dừa. Các chuỗi liên kết đang hướng tới các chỉ tiêu về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất an toàn, bền vững.
Theo ông Thái Văn Chuyện: Bến Tre có gần 2.000 cơ sở chế biến dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau. Tổng công suất các nhà máy chế biến các sản phẩm từ dừa tiêu thụ phần lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí là những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ. Việc phối hợp với Trà Vinh, xây dựng cơ sở sản xuất, tiến đến xây dựng nhà máy là hướng đi của DN trong tương lai. Trong đó, hỗ trợ Trà Vinh tiêu thụ nguồn nguyên liệu dừa, nâng cao giá trị, giúp nông dân hưởng lợi.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tiểu Cần, khi huyện có được nhà máy thực hiện các khâu sơ chế, chế biến từ dừa, giá trị dừa sẽ nâng lên, tăng trưởng GRDP của huyện cũng tăng theo. Tạo điều kiện giúp tỉnh đẩy nhanh lộ trình xây dựng các tiêu chí lên thị xã theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Thông tin từ lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh đang xúc tiến mời gọi DN tham gia chuỗi giá trị dừa gắn với chủ trương nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN nhỏ và vừa trong ngành dừa tỉnh Trà Vinh. Tỉnh sẽ triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN nhỏ và vừa trong ngành dừa của tỉnh theo Quyết định số 151/QĐ-UBND, ngày 21/01/2021 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc ban hành Kế hoạch phát triển DN nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021- 2025. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các DN nhỏ và vừa hiện có để mở rộng, phát triển sản xuất và kinh doanh; đối với một số DN có tính đột phá, hỗ trợ các DN tìm nhà đầu tư, đối tác chiến lược lớn nhằm nâng cấp công nghệ, mở rộng quy mô kinh doanh và phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tiềm năng thị trường.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.