11/07/2022 14:38
Nông dân cù lao Long Hòa, huyện Châu Thành thu hoạch tôm càng xanh.
Theo thông tin từ Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh: Dự án “Chuyển đổi sinh kế bền vững thích ứng với BĐKH” sẽ tập trung vào 03 vùng: Vùng 1 (cù lao Long Hòa - Hòa Minh, huyện Châu Thành) có diện tích đất nông nghiệp 4.630ha; 23.660 nhân khẩu (tương đương 5.915 hộ) tham gia sản xuất nông nghiệp, với loại hình sản xuất ở khu vực này là 01 vụ lúa bấp bênh, một số chuyển sang 01 vụ lúa - 01 vụ tôm có hiệu quả tương đối khá. Vùng 2 (xã Thuận Hòa, Mỹ Hòa, Vinh Kim, Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang) có diện tích đất nông nghiệp 1.000ha; 6.975 nhân khẩu (tương đương 1.800 hộ) tham gia sản xuất nông nghiệp; với loại hình sản xuất ở khu vực này là 01 vụ lúa bấp bênh, một số chuyển sang 01 vụ lúa - 01 vụ tôm có hiệu quả tương đối khá. Vùng 3 (xã Long Khánh, huyện Duyên Hải và xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải) có diện tích đất nông nghiệp 1.500ha; 3.000 nhân khẩu (tương đương 1.000 hộ) tham gia nuôi trồng thủy sản; loại hình sản xuất ở khu vực này là 01 vụ tôm bấp bênh, một số chuyển sang tôm - rừng có hiệu quả tương đối khá.
Ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết: đây là các vùng có điều kiện khó khăn về kết cấu hạ tầng phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với BĐKH; bị xâm nhập mặn; triều cường ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh; giá trị sản xuất thấp do ảnh hưởng của BĐKH nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn; điều kiện đi lại và vận chuyển hàng hóa không được thuận lợi. Thông qua dự án WB 11 sẽ tạo cơ hội cho người dân chuyển đổi sản xuất mang lại hiệu quả thích ứng với BĐKH.
Theo đó, tại Vùng dự án 1 và 2 chuyển từ 01 vụ lúa sang tôm - lúa hữu cơ chất lượng cao; Vùng dự án 3 từ 01 vụ tôm sang tôm sinh thái + rừng. Đồng thời, giúp người dân nâng cao năng lực điều phối sản xuất - tiêu thụ và quản lý tổng hợp; nâng cao năng lực quản lý, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản thông minh và kết nối thị trường tiêu thụ nông sản sạch. Cùng với đó là nâng cao khả năng vận hành công trình thủy lợi phục vụ các loại hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH.
Ông Nguyễn Văn Nhanh, Bí thư Đảng ủy xã Long Hòa, huyện Châu Thành chia sẻ: thời gian qua, địa phương đã phát huy được tiềm năng và lợi thế của vùng đất cù lao trong sản xuất thích ứng BĐKH như mô hình lúa hữu cơ + tôm; chuyên thủy sản… với hơn 1.000ha. Mặc dù địa phương đã được tỉnh và huyện triển khai nhiều hạn mục đầu tư về kết cấu hạ tầng (đê bao, cống bọng, giao thông...); thời gian tới, được dự án WB 11 triển khai, sẽ tạo động lực để cù lao Long Hòa - Hòa Minh, huyện Châu Thành chuyển biến tốt hơn nữa, sản xuất khép kín và nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai do tác động BĐKH…
Nâng cao năng lực quản lý trồng trọt và nuôi trồng thủy sản thông minh và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị kết nối thị trường tiêu thụ nông sản sạch: đào tạo kỹ thuật trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cho 20.000 người lao động, cấp chứng chỉ VietGAP, hữu cơ và tương đương cho 5.500ha trồng lúa và tôm, hỗ trợ cho 25 tổ hợp tác/hợp tác xã hoạt động tốt; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho các vùng dự án qua đó tạo sự ổn định xã hội cho tổng dân số 100.000 người. Hình thành và phát triển được 03 chuỗi giá trị ngành hàng tạo điều kiện tiêu thụ ổn định các sản phẩm nông sản. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả thích ứng với BĐKH: đầu tư xây dựng 09 loại mô hình/38 điểm trình diễn kết hợp với đào tạo, tập huấn để nông dân có thể thực hiện chuyển đổi sản xuất bền vững hơn với tổng số người hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp khoảng 10.000 người.
Cũng theo ông Lê Quang Răng, Dự án WB 11 sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất và dân sinh: đầu tư 04 công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH (xây dựng giao thông nội đồng khoảng 94km và 43 cây cầu; cải tạo 01km bờ bao, cống và bọng tròn 80 cái và cải tạo kênh khoảng 23km; điện phục vụ sản xuất khoảng 88,3km (trung thế 37km, hạ thế 51,3km) và 42 trạm biến áp 160 kVA; trồng rừng bổ sung 31,6ha.
Đồng thời, nâng cấp hệ thống đê bao ngăn triều cường cù lao Long Hòa - Hòa Minh, huyện Châu Thành phục vụ chuyển đổi sản xuất tôm - lúa hữu cơ; đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp lúa - tôm các xã Thuận Hòa, Mỹ Hòa, Hiệp Mỹ Đông, Vinh Kim, huyện Cầu Ngang; xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển nuôi tôm - rừng tại khu bảo tồn rừng ngập mặn xã Long Khánh, huyện Duyên Hải và hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Bài 1: Giảm nhẹ thiên tai nhờ hiệu quả từ công trình, phi công trình
Bài 2: Xây dựng đời sống dân sinh vùng nông thôn ổn định, bền vững
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.