19/09/2022 13:52
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Hòa Lý Văn Tâm (phải) khảo sát vườn dừa canh tác theo quy cách hữu cơ của nông dân Nguyễn Văn Sang.
Nâng cấp chuỗi giá trị dừa
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập, dừa là cây trồng được đánh giá có khả năng chống chịu được các nguy cơ trên, còn trở thành cây trồng quan trọng trong hệ thống canh tác, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai. Để cây dừa trở thành cây chủ lực mũi nhọn cần có chiến lược phát triển bài bản, đồng bộ, vì thế việc tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời tạo cơ chế hỗ trợ vốn cho người trồng dừa.
Bằng nguồn vốn của Dự án SME Trà Vinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong xây dựng 200ha dừa hữu cơ tại xã Nguyệt Hóa, Song Lộc, Thanh Mỹ, huyện Châu Thành. Gần đây xã Lương Hòa được Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong liên kết xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ tại 04 ấp Ba Se B, Ô Chích A, Ô Chích B và Bót Chếch với diện tích 547,2ha.
Ông Lý Văn Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Hòa cho biết: với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nên xã đã triển khai nhiều giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có cây dừa là hướng đi đúng nên xã đặc biệt chú trọng liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp. Hiện xã có trên 700ha dừa, trong đó có 4,5ha dừa sáp cấy phôi. Việc thực hiện liên kết sản xuất dừa hữu cơ giữa nông dân và doanh nghiệp hiện đang trong quá trình vận hành hồ sơ thủ tục, dự kiến doanh nghiệp tiến hành thu mua sản phẩm của nông dân vào cuối năm 2022. Việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất dừa hữu cơ nhằm tạo sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong khâu chế biến và xuất khẩu, giải quyết đầu ra ổn định cho các nhà vườn, góp phần phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
Từ khi chuyển đổi đất lúa sang trồng dừa đời sống kinh tế của nông dân Nguyễn Văn Sang, ấp Ba Se B, xã Lương Hòa tăng gấp 04 - 05 lần so với trồng lúa. Ông Sang cho biết: 10 năm trước, ông chuyển đổi đất lúa sang trồng 0,7ha dừa dâu, dừa xiêm, dừa ta mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Sau đó, ông mạnh dạn chuyển đổi hết diện tích lúa sang trồng dừa. Trồng dừa chi phí thấp hơn trồng lúa, trong quá trình chăm sóc bón phân 02 lần/năm, quan trọng tạo môi trường thông thoáng cây rất say trái. Với 02ha dừa chi phí phân bón khoảng 05 triệu đồng/năm, giá dừa ổn định ở mức trung bình từ 50.000 đồng/chục trở lên, tổng thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/năm. Với 02ha dừa hiện nay ông đăng ký canh tác theo quy trình hữu cơ và đã đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tuy nhiên về giá thỏa thuận giữa nông dân và các hộ tham gia vẫn đang thương thảo nên thủ tục hồ sơ vẫn chưa hoàn chỉnh. Hiện 0,7ha dừa đang cho trái, ông có thu nhập từ 06 - 07 triệu đồng/tháng.
Dừa ở Trà Vinh có năng suất trung bình đạt hơn 16 tấn/ha. Những năm gần đây, năng suất dừa ở Trà Vinh có xu hướng tăng và các huyện trồng dừa có năng suất cao như Càng Long, Châu Thành. Qua ghi nhận, tiêu chuẩn chọn giống dừa chủ yếu dựa vào năng suất dừa cho trái nhiều, to, đẹp, tròn, nhiều nước, vỏ mỏng và gáo lớn.
Đặc biệt, đối với các giống dừa ở Trà Vinh đa phần được nông dân tự ươm từ những cây dừa có chất lượng tốt tại vườn. Phần lớn giống dừa ở Trà Vinh được trồng phổ biến dừa ta, chiếm gần 80% diện tích dừa toàn tỉnh, còn lại dừa dâu, dừa xiêm, dừa sáp và một số dừa khác. Giống dừa ta được ưa chuộng dễ trồng, dễ chăm sóc, nhiều quả, quả to, cơm dày, nhưng nước không ngọt bằng các giống dừa dâu, dừa xiêm. Việc tiêu thụ sản phẩm dừa chủ yếu thông qua thương lái thu mua tại vườn, sản phẩm được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nguyên trái sang Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia.
Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kỳ vọng của các chiến lược nâng cấp chuỗi là hướng đến việc duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh của chuỗi giá trị dừa, nâng cao lợi ích kinh tế - xã hội mà chuỗi giá trị dừa có thể mang lại, thúc đẩy mức độ tham gia của hộ nghèo vào các hoạt động sản xuất, chế biến và thương mại hóa các sản phẩm dừa, góp phần giải quyết việc làm 1.000 lao động trong giai đoạn 2022 - 2025 và giảm nghèo bền vững. Để đạt kỳ vọng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Dự án SME Trà Vinh tạo điều kiện liên kết tiêu thụ: Công ty Cổ phần Trà Bắc và 03 xã Tập Ngãi, Ngãi Hùng, Tân Hùng, huyện Tiểu Cần hỗ trợ thực hành và lập thủ tục chứng nhận dừa hữu cơ với 346,3ha; Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) phối hợp với xã Long Đức, thành phố Trà Vinh và một số xã của huyện Càng Long lập các thủ tục chứng nhận khoảng 200ha. Với mục tiêu chuyển đổi đến năm 2030 đạt 25.000ha dừa, năng suất đạt 17 tấn/ha.
|
Các giải pháp phát triển chuỗi giá trị dừa
Chuỗi giá trị dừa của tỉnh hiện nay vẫn chưa phát triển mạnh, phần lớn người trồng dừa và doanh nghiệp đều cung cấp sản phẩm qua trung gian hoặc thành phẩm cho các công ty chế biến, xuất khẩu trong và ngoài tỉnh nên hiệu quả kinh tế mang lại từ cây trồng này chưa cao.
Để góp phần đạt mục tiêu chiến lược nâng cấp chuỗi từ nay cho đến năm 2025, tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện 05 nhiệm vụ trọng tâm: quy hoạch vùng nguyên liệu dừa tập trung, chọn và nhân giống dừa chủ đạo, đăng ký và quản lý vùng nguyên liệu dừa theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và GlobalGAP, nghiên cứu và quản lý vùng nguyên liệu dừa, hỗ trợ thành lập và thiết lập các liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp địa phương theo chuỗi của doanh nghiệp đầu chuỗi.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện 07 nhiệm vụ: hỗ trợ về thủ tục đầu tư và mặt bằng cho doanh nghiệp đầu chuỗi để xây dựng nhà máy chế biến; tạo điều kiện tốt hơn về mặt pháp lý và minh bạch để hợp tác xã tiếp cận, có được mặt bằng để thu gom, sơ chế các sản phẩm và phát triển các dịch vụ kinh doanh ổn định; năng lực quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cập, sử dụng hiệu quả nguồn tài chính; tiếp tục duy trì đầu tư của tỉnh cho công trình điện, nước phục vụ cơ sở sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện tốt hơn về pháp lý và minh bạch để doanh nghiệp có thể tiếp cận, có được mặt hàng sản xuất ổn định; đối thoại chính sách; năng lực quản trị doanh nghiệp, tiếp cận nguồn vốn, mở rộng sản xuất và tiếp cận thị trường. Để thực hiện các nhiệm vụ.
Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ nâng cấp công nghệ, trong đó, chú trọng ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư nâng cao kỹ thuật công nghệ sản xuất, ưu tiên sử dụng nguồn quỹ của tỉnh. Thực hiện kết nối với cơ sở khoa học chuyển giao và tư vấn cải tiến hay nâng cao công nghệ; hỗ trợ về tài chính để nâng cao công nghệ; hướng dẫn và hỗ trợ tổ chức hoạt động nghiên cứu, phát triển trong doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp dừa áp dụng các giải pháp công nghệ (công nghệ mã vạch, OR code, chip NFC, công nghệ blockchain) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Sở Công thương thực hiện nhiệm vụ: duy trì đầu tư của tỉnh cho các công trình điện phục vụ cơ sở sản xuất, kinh doanh; xây dựng và tổ chức hoạt động có hiệu quả hệ thống dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng và tổ chức hoạt động có hiệu quả hệ thống dịch vụ tìm đối tác kinh doanh; tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho doanh nghiệp dừa về thương mại điện tử theo các chủ đề chuyên sâu, phù hợp với địa phương và lĩnh vực kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp dừa phát triển các sản phẩm và giải pháp thương mại điện tử như xây dựng website thương mại điện tử, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, tổ chức chuỗi cung ứng thương mại điện tử cho mặt hàng dừa; hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ các sản phẩm dừa theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với địa phương và yêu cầu của thị trường.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Bài 1: Phát triển vùng nguyên liệu dừa gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ Bài 2: Dừa sáp - cây trồng cũ trên vùng đất mới
|
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.