03/04/2022 07:06
Bà Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm), huyện Tiểu Cần giới thiệu sản phẩm được chế biến từ mật hoa dừa với ngài Brian Allemekinders, Tham tán Hợp tác phát triển đại sứ quán Canada tại Việt Nam. Công ty TNHH Trà Vinh Farm là một trong những DN tích cực chuyển đổi số trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, toàn cầu và là một nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều quốc gia đã có các chiến lược hoặc chương trình quốc gia về chuyển đổi số của mình.
Tại Việt Nam, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số đã được đưa vào các Nghị quyết của Đảng (Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng); Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020), xác định 03 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó trụ cột kinh tế số xác định nhiệm vụ hỗ trợ DN chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Nguyễn Văn Chuẩn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trà Vinh cho biết: giải pháp chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh Trà Vinh với 04 nội dung: tình hình chung về chuyển đổi số, thực trang chuyển đổi số DN trên địa bàn tỉnh, đề xuất giải pháp, báo cáo hoạt động hỗ trợ DN năm 2022. Nhằm hỗ trợ các DN chuyển đổi số, ngày 26/3/2021, Bộ TT-TT phê duyệt chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số theo Quyết định số 377/QĐ-BTTTT, ngày 13/12/2021 của Bộ TT-TT phê duyệt đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số DN và hỗ trợ thúc đẩy DN chuyển đổi số. Theo thống kê của Bộ TT-TT đến nay có hơn 23 đơn vị cung cấp nền tảng số tham gia chương trình, với hơn 10.000 DNNVV trải nghiệm và sử dụng các nền tảng số.
Tại Trà Vinh, để triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số gồm 03 trụ cột theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, ngày 26/01/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu cho lĩnh vực kinh tế số đến năm 2025 đạt tối thiểu 30% DN áp dụng ít nhất 01 nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kinh tế số chiếm trên 10% GRDP của tỉnh và Trà Vinh quyết tâm về chuyển đối số và ứng dụng công nghệ trong xã hội và DN, giúp gia tăng doanh thu cho các DN, từ đó giúp tăng đời sống kinh tế của người dân, đặc biệt là đồng bào Khmer khi làm việc trong các DN.
Hiện Trà Vinh có các ngành nghề nông nghiệp kết nối sâu với các chuỗi giá trị trong vùng và quốc tế, nên chuyển đổi số và công nghệ nhằm để phát triển. Đặc biệt với sự chuyển mình kinh tế số do dịch bệnh tạo ra, có nhiều DN, trong đó có DN do nữ làm chủ được tiếp cận kỹ thuật số, các công nghệ xanh và thông minh; chuyển đổi số có thể giúp thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn.
Thực trạng chuyển đổi số trong DNNVV tại Trà Vinh đa số các DNNVV, hộ kinh doanh, hộ sản xuất chủ yếu tham gia quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử posmart, Voso, sàn thương mại điện tử tỉnh. Đến tháng 01/2022, tỉnh có 38.852/131.911 hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác có tài khoản bán hàng trên 02 sàn thương mại điện tử thuộc ngành quản lý (Postmart.vn và Voso.vn) với 673 loại sản phẩm được quảng bá, giới thiệu trên sàn; 9,8% DN có tham gia quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội; 5,4% DN có triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ khoảng 0,62% DN sử dụng các phần mềm kế toán, tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử, triển khai thanh toán trực tuyến thấp… Nguyên nhân do phần lớn DNNVV trên địa bàn tỉnh chưa nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số trong DN, chưa tiếp cận hoặc mức độ tiếp cận thông tin còn hạn chế về hoạt động hỗ trợ DN cũng như chưa hiểu rõ về các nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số, nhận định chi phí cho chuyển đổi số cao, còn duy trì phương thức quản lý, điều hành truyền thống, chậm chuyển sang phương thức ứng dụng công nghệ (sử dụng các phần mềm quản trị nhân sự, quản lý điều hành, quản lý kinh doanh, tài chính kế toán…), trong hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành của DN.
Theo ông Nguyễn Văn Chuẩn, để góp phần đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU, Sở TT-TT tập trung 05 giải pháp hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số bằng các hình thức: (1) truyền thông, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của DN khi chuyển đổi số; (2) tổ chức đánh giá xác định mức độ chuyển đổi số DN và tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho DN; (3) xây dựng cơ sở dữ liệu DN và tổ chức mạng Iưới tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số DN; (4) triển khai các khóa tập huấn phát triển nguồn nhân lực cho DN về chuyển đổi số; (5) triển khai các giải pháp về hỗ trợ nguồn lực để chuyển đổi số. |
Năm 2022, Sở TT-TT hỗ trợ DNNVV hoạt động gói hỗ trợ từ Dự án SME Trà Vinh 450 triệu động, dự kiến hoàn thành trong quý III/2022. Trong đó gồm tổ chức hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cũng như sự cần thiết chuyển đổi số trong DN trong tình hình hiện nay; hỗ trợ DN sử dụng các nền tảng số, cụ thể: nền tảng kế toán, tài chính, các nền tảng phục vụ DN vận tải, nền tảng quản trị DN.
Từ hoạt động này sẽ có ít nhất 200 DN được tư vấn, giới thiệu các nền tảng chuyển đổi số thông qua hội nghị; ít nhất 08 DN được hỗ trợ kinh phí triển khai, sử dụng các nền tảng số cơ bản (nền tảng kế toán, tài chính; triển khai phần mềm quản lý bán vé, quản lý điều hành xe, quản lý tiêu hao nhiên liệu, hợp đồng điện tử, vé điện tử; website, nền tảng quản trị DN.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.