21/04/2022 09:57
Dừa trái của Trà Vinh được thương lái thu mua, cung cấp cho các DN.
Khi các doanh nghiệp (DN) của Bến Tre cũng như các cơ sở trong tỉnh quan tâm đầu tư tại Trà Vinh lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ dừa sẽ tạo cơ hội cho việc thiết lập liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dừa. Điều đó phù hợp với định hướng phát triển cây dừa của tỉnh đến 2025.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng của tỉnh lần thứ XI, phấn đấu đến năm 2025, Trà Vinh phát triển thêm khoảng 550ha dừa sáp đặc sản; mở rộng diện tích trồng và cải tạo vườn dừa bị lão hóa khoảng 5.000ha tại các vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chiến lược phát triển sản xuất và chế biến của các DN. Có ít nhất 5.000ha dừa “theo hướng hữu cơ”; trong đó, có 3.000ha đạt chứng nhận hữu cơ xuất khẩu; có ít nhất 10 DN liên kết với các hộ sản xuất dừa xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ các chuỗi sản phẩm dừa có giá trị gia tăng cao ra thị trường; trong đó, có ít nhất 02 DN mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình UBND tỉnh phê duyệt Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, nhiệm vụ “thu hút đầu tư và hỗ trợ các DN, tạo liên kết để phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh” là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Vì vậy, tỉnh tập trung tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển liên kết giữa các DN với các hộ trồng dừa trong tỉnh nhằm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các thị trường xuất khẩu; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN đầu tư phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích, ưu tiên các DN có thế mạnh về công nghệ chế biến sâu, tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ tốt (cả trong nước và xuất khẩu) xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh và phát triển liên kết với người sản xuất, các cơ sở, hợp tác xã (HTX) thực hiện thu gom và sơ chế trên địa bàn tỉnh.
Thiết lập các liên kết giữa DN đầu chuỗi với người dân theo 02 dạng chính: liên kết phát triển vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ) và tiêu thụ sản phẩm theo hướng khép kín và lâu dài; DN đầu chuỗi liên kết tiêu thụ nguyên liệu hoặc sản phẩm sơ chế, không trực tiếp tham gia phát triển và quản lý vùng nguyên liệu. Tạo điều kiện, hỗ trợ các DN thực hiện các thủ tục đầu tư, thành lập các HTX kiểu mới, kết nối đào tạo nghề, cung cấp nguồn lao động tại chỗ, mặt bằng để tập kết và sơ chế nguyên liệu dừa trái để sản xuất và phát triển các dịch vụ. Các DN sẽ được khuyến khích hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho các HTX để xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị sơ chế và xe vận chuyển, cũng như đào tạo các kỹ năng cần thiết cho lao động của các HTX.
Cùng với những cam kết của lãnh đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, hỗ trợ tốt các DN khi đến tỉnh đầu tư, triển khai các dự án hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm dừa nói chung và dừa hữu cơ nói riêng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Song song với nâng cao chuỗi giá trị cây dừa, tỉnh quan tâm đến thích ứng biến đổi khí hậu. Trà Vinh là tỉnh có tiềm năng, lợi thế và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây dừa. Dừa được xác định là cây trồng quan trọng cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp, góp phần thúc đầy kinh tế - xã hội không ngừng tăng trưởng. Đồng thời, trong bối cảnh Trà Vinh đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thì việc trồng dừa và chế biến các sản phẩm từ dừa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần không nhỏ để bảo vệ môi trường, tăng khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dù tiềm năng cây dừa của Trà Vinh rất lớn, nhưng hiện vẫn chưa được tận dụng triệt để những ưu thế này. Ông Thái Văn Chuyện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Betrimex Bến Tre cho rằng: sản xuất ngành dừa của Trà Vinh còn nhỏ lẻ, manh mún nên các tác nhân liên kết trong chuỗi giá trị ngành dừa chưa được phát huy. Bên cạnh đó, cơ sở chế biến dừa của Trà Vinh sử dụng công nghệ còn thấp nên ít có khả năng cạnh tranh với các tỉnh trong khu vực. Vốn đầu tư ít nên rất khó bảo đảm có chiến lược lâu dài cho ngành dừa.
Để nâng cao chuỗi giá trị cây dừa từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp thu nhập của nông dân được nâng lên là một vấn đề quan trọng phải giải quyết để ngành dừa phát triển bền vững. Đồng thời, tỉnh sẽ quy hoạch lại sản xuất ở từng địa phương để có phân công sản xuất và phân chia sản phẩm theo hướng: loại nào đưa vào chế biến, loại nào phục vụ xuất khẩu; cần có chiến lược nâng cấp giống, kỹ thuật canh tác để phát triển ngành dừa dưới sự tham gia của các cơ quan liên quan. Cơ sở chế biến dừa cần tìm kiếm thêm thị trường mới, ổn định và bền vững hơn, không chỉ thụ động sản xuất chế biến và tiêu thụ trong nước; sớm liên kết giữa các tỉnh trong việc kêu gọi các dự án đầu tư giúp cho ngành dừa phát triển ổn định hơn.
Hỗ trợ người dân và các tổ hợp tác, HTX trồng mới hoặc cải tạo vườn dừa hiện có, đăng ký và quản lý vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021- 2025.
Đồng thời, hỗ trợ các DN đầu chuỗi liên kết với các hộ và các cơ sở trong đăng ký chứng nhận, đánh giá và quản lý vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ, trên cơ sở áp dụng chuyển đổi số nhằm minh bạch các thông tin trong giao dịch, mua bán, cùng với quyết tâm cao nhất, tin rằng cây dừa của Trà Vinh sẽ đầy hứa hẹn, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm đạt như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.