14/03/2022 14:43
Đây là bước tiến quan trọng, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện XDNTM. Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và hộ kinh doanh được công nhận sản phẩm OCOP trong những năm qua đã tạo động lực để phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm đặc sản của tỉnh. Tuy nhiên, những sản phẩm OCOP hiện có, chủ thể là tổ hợp tác (THT) hoặc HTX còn khiêm tốn, chưa tương ứng với tiềm năng và thế mạnh.
Ông Châu Văn Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: đến nay, toàn tỉnh có 1.849 THT, với 34.082 thành viên. Trong đó, THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp 1.764 tổ, với 32.520 thành viên; hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp 85 tổ, với 1.562 thành viên. Về HTX, toàn tỉnh hiện có 01 Liên hiệp HTX, 172 HTX đang hoạt động, vốn điều lệ 170,606 tỷ đồng, thu hút 29.130 thành viên. Qua phân loại 152 HTX đủ điều kiện (20 HTX mới thành lập chưa đủ điều kiện phân loại), hoạt động tốt 26 HTX, chiếm 17,11%; khá 55 HTX, chiếm 36,18%; trung bình 58 HTX, chiếm 38,16%; yếu 13 HTX, chiếm 8,55%.
Đáng chú ý, trong 127 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, (16 HTX nuôi trồng thủy sản, 06 HTX chăn nuôi và 104 HTX chuyên ngành nông nghiệp), vốn điều lệ 92,249 tỷ đồng, thu hút 8.185 thành viên, tạo việc làm cho 681 lao động. Thu nhập bình quân 39,6 triệu đồng/lao động/năm. Các HTX hoạt động hiệu quả điển hình trong xây dựng liên doanh liên kết, chuỗi giá trị, xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm như HTX nông nghiệp Rạch Lọp (Tiểu Cần), Long Hiệp (Trà Cú), Phú Mỹ Châu (Châu Thành), Huyền Hội (Càng Long)...
Tuy nhiên, trong tổ chức hoạt và sản xuất, kinh doanh để đóng góp cùng với tỉnh tạo những sản phẩm OCOP thì còn một số hạn chế như: phần lớn các HTX chưa xây dựng phương án phát triển khả thi, năng lực của đội ngũ điều hành yếu, chưa tổ chức lại theo mô hình mới, còn lúng túng trong xác định phương hướng sản xuất, kinh doanh và các giải pháp tổ chức hoạt động thiếu năng động, sáng tạo, nhất là mở rộng ngành nghề phù hợp với tình hình thị trường hiện nay. Đồng thời, đa số sản phẩm của HTX nông nghiệp chủ yếu bán qua thương lái tại địa phương, thiếu kết hợp liên doanh, liên kết giữa HTX với HTX, giữa HTX với THT hoặc với các công ty. Điều này làm đầu ra sản phẩm thiếu ổn định; một ít HTX chưa khắc phục khó khăn, phát huy nội lực để vươn lên, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước; thành viên chưa thấy hết trách nhiệm trong xây dựng, phát triển để HTX mang lại lợi ích cho thành viên.
Hiện nay, phần lớn các sản phẩm đạt OCOP trong tỉnh là các HTX, DN nhỏ và vừa nên nguồn vốn, khả năng để phát triển, quảng bá sản phẩm còn hạn chế. Do đó, việc hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia xúc tiến thương mại của Nhà nước và sự phối hợp, đồng hành của các chủ thể OCOP, đặc biệt là của các ngành liên quan là điều cần thiết, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thế cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh. Vai trò của kinh tế tập thể là rất quan trọng, có khả năng tạo lượng hàng hóa đáng kể, các sản phẩm ngày càng đa dạng, nâng cao giá trị cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu cho người dân trong và ngoài tỉnh và một phần cho xuất khẩu. Thông qua các chính sách của tỉnh, một số cơ sở, DN có tiềm lực về tài chính cần mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giúp cho ngành chế biến nông sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng.
|
Đối với các HTX nông nghiệp chủ yếu chỉ thực hiện dịch vụ đầu vào cho sản xuất của thành viên, dịch vụ đầu ra cho sản phẩm, phát triển ngành nghề còn ít. Một số HTX có điều kiện về vốn, thị trường vẫn còn ngại tổ chức sản xuất, kinh doanh các ngành nghề ngoài nông nghiệp, nhiều HTX chưa huy động đầy đủ vốn góp của thành viên nên thiếu vốn hoạt động, hạn chế việc tổ chức các dịch vụ sản xuất cho thành viên, các khâu dịch vụ thiết yếu, nhất là các khâu tiêu thụ sản phẩm, bảo quản chế biến nông sản thực phẩm, cung cấp tín dụng... nhiều HTX chưa làm được.
Theo ông Thái Phước Lộc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, sự phối hợp giữa các ngành chuyên môn và địa phương trong hoạt động của THT, HTX đôi lúc thiếu chặt chẽ, có nơi thiếu kiểm tra, chấn chỉnh hoặc quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của HTX; việc cụ thể chính sách hỗ trợ cho HTX còn chậm, nên phần lớn các HTX chưa tiếp cận được các chính sách.
Thực tế đã cho thấy, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX đã được ban hành nhưng triển khai thực hiện còn chậm. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ kết cấu hạ tầng, thu hút cán bộ có năng lực vào làm việc tại các HTX. Nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc, vì chưa tìm được nguồn đất bố trí phù hợp. Một số địa phương cán bộ phụ trách HTX bán chuyên trách, nên việc theo dõi hướng dẫn THT, HTX chưa sâu sát và thường xuyên. Trong công tác chỉ đạo, một số địa phương lúng túng, nhất là mô hình thi điểm về kinh tế tập thể; một số cấp ủy địa phương còn tư tưởng trông chờ vào cấp trên chỉ đạo nên chưa định hướng phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của HTX.
Để đóng góp cho tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP, thời gian tới, với vai trò của Liên minh HTX tỉnh là rất quan trọng. Tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, khuyến khích quy hoạch sản xuất theo vùng nguyên liệu, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn để liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó HTX là cầu nối giữa DN với nông dân và xây dựng các mô hình điểm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao để người dân học tập, nhân rộng. Các ngành và địa phương tập trung hỗ trợ 05 HTX kiểu mới được lựa chọn triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2025.
TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.