25/09/2020 07:43
Ông Nguyễn Trung Thảo hướng dẫn cách gắn nhãn hiệu vào sản phẩm bánh tét. |
Bà Dương Thị Tuyết Nhan, tên thường gọi là Năm Nhan là người “thủy chung” với nghề gói bánh tét truyền thống của ông bà từ nhiều năm nay. Để duy trì và phát huy nghề làm bánh tét của gia đình ông Nguyễn Trung Thảo, con rể bà Năm Nhan đã nghiên cứu và chỉnh sửa nhiều công đoạn từ khâu sơ chế cho đến ướp gia vị, gói bánh, nấu bánh để tạo ra hương vị bánh tét ngon đậm đà vừa ý khách hàng. Bánh tét Năm Nhan đã chinh phục người tiêu dùng và thâm nhập vào thị trường, hệ thống siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt 04 năm nay. Đặc biệt hơn sản phẩm bánh tét Năm Nhan đã được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận sản phẩm OCOP.
Theo ông Thảo, hộ kinh doanh bánh tét Trung Thảo, trước đây ông làm nghề sửa xe để kiếm sống, sau khi lập gia đình về sống chung với cha mẹ vợ, hàng ngày vợ chồng ông tham gia gói bánh tét cùng với cha mẹ vợ khoảng vài chục đòn bán cho người dân trong vùng chủ yếu phục vụ khánh hàng nhỏ lẻ, thỉnh thoảng lên vài trăm đòn nhân dịp lễ, Tết. 09 năm trước, để cải thiện cuộc sống gia đình cùng với mong muốn “khuếch trương” mạnh nghề làm bánh tét truyền thống của gia đình, vợ chồng ông thuê mặt bằng kinh doanh ven Quốc lộ 53 bày bán bánh tét bước đầu đạt kết quả khả quan.
Để phát triển kinh doanh, ông thiết kế nhãn hiệu với tên gọi “bánh tét Năm Nhan”, dần dà bánh tét Năm Nhan được người tiêu dùng ưa chuộng và có mặt ở một số tỉnh, thành trong nước. Việc kinh doanh bắt đầu thuận lợi, ông đầu tư máy hút chân không để bảo quản bánh được lâu hơn và tiếp cận mạnh với hệ thống siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh với 200 - 300 đòn bánh/ngày, lợi nhuận bình quân 10.000 - 15.000 đồng/đòn bánh tùy loại, thời điểm lễ, Tết tăng lên 1.200 - 2.000 đòn/ngày tùy theo đơn đặt hàng của khách hàng. Những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, bình quân cơ sở sản xuất khoảng 100 - 120 đòn/ngày.
Ông Thảo cho biết: từ khi mở cửa hàng kinh doanh bánh tét, kiêm tiếp thị sản phẩm đã nhận rất nhiều ý kiến góp ý của khách hàng, nên ông đã cải tiến, điều chỉnh khâu gói bánh để phục vụ khách hàng, cách gói đòn bánh tét ngon hơn, đậm đà hơn và được người tiêu dùng ưa chuộng nhiều hơn, đặc biệt khách hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Phát huy lợi thế đó, ông tự tin đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh và sản phẩm OCOP. Mọi cố gắng của ông đã được bù đắp sản phẩm đạt chuẩn chất lượng 3 sao, nằm trong tóp 30 sản phẩm OCOP của tỉnh. Có thành tích này, bà Nhan mẹ vợ ông Thảo phấn khởi: làm nghề gói bánh tét từ đời cha mẹ truyền lại mới có thành quả như vậy tôi rất vui. Nhớ lại những lần gói bánh, mẹ con bàn thảo cho đến tranh cãi mới nhận ra tuổi trẻ có ý tưởng mới sáng tạo mới.
Theo ông Thảo, mặc dù hiện nay sản phẩm bánh tét thập cẩm của gia đình đạt chuẩn OCOP nhưng chứng nhận đăng ký thương hiệu độc quyền 03 năm nay chưa được cấp, ông đã nhiều lần “trình hỏi” nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Thời gian tới, rất mong các ngành các cấp quan tâm nhiều hơn để sản phẩm bánh tét Năm Nhan có chứng nhận thương hiệu. Đồng thời, ông đầu tư xây dựng một số hạng mục như xây dựng khu vực dành riêng sơ chế, gói bánh, nấu bánh để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.