09/10/2024 10:04
Ngành hàng lúa gạo ở Trà Vinh những năm gần đây đã có nhiều “điểm sáng” khi các hợp tác xã (HTX) phát huy cao vai trò cầu nối, thắt chặt liên kết giữa nông dân với Nhà nước, nhà khoa học, và doanh nghiệp để tiếp cận các chính sách, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, giảm giá thành và có thị trường tiêu thụ bền vững. Đồng thời, các HTX chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khẳng định uy tín, chất lượng; từng bước xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, giảm phát thải… Nhờ vậy, hạt gạo quê hương Trà Vinh ngày càng vươn xa, có “chỗ đứng” ở thị trường trong nước và đang hướng đến chinh phục thị trường xuất khẩu; giúp nông dân sản xuất đạt lợi nhuận cao.
HTX nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú) thành lập năm 2018, từ 51 thành viên ban đầu, tổng diện tích sản xuất 50ha, đến nay, HTX đã có 72 thành viên với diện tích sản xuất 170ha trồng lúa; trong đó, 20ha trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh; gần 150ha sản xuất lúa thương phẩm. Ngoài ra, HTX cũng liên kết với 20 hộ nông dân trồng lúa trên diện tích 50ha. Hiện tại HTX có sản phẩm gạo hữu cơ Hạt Ngọc Rồng đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh và là sản phẩm OCOP tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long, có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong nước và các sàn thương mại điện tử.
Qua 06 năm thành lập, HTX đã xây dựng thành công chuỗi giá trị lúa gạo, tạo được niềm tin và sự ủng hộ cao của thành viên, doanh thu và lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước. Thành viên tham gia chuỗi sản xuất cùng HTX mỗi năm cho thu nhập tăng thêm từ 08 - 12%, mỗi héc-ta có lợi nhuận tăng thêm khoảng 03 triệu đồng/vụ. Nhờ vậy, đến nay HTX có 11 hộ thành viên thoát nghèo và 12 hộ vươn lên khá giả; 02 thành viên được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của “Nhà nông trẻ tiêu biểu toàn quốc”, trong đó có Giám đốc HTX Long Hiệp Trầm Minh Thuần. Mới đây, anh Trầm Minh Thuần được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2024.
Có được kết quả này là nhờ HTX luôn thắt chặt liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo cho thành viên. Từ đầu vụ, HTX cung cấp vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng, giá rẻ, và hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho thành viên. Đầu ra được HTX bao tiêu với giá luôn cao hơn giá thị trường. Năm 2023, HTX đã liên kết, tiêu thụ 1.200 tấn lúa, gạo cho thành viên (1.000 tấn lúa và 200 tấn gạo) và hỗ trợ tiêu thụ 400 tấn lúa cho 20 hộ nông dân liên kết. HTX đề ra mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030 sẽ mở rộng thêm khoảng 100ha trồng lúa sạch, hữu cơ; và hướng đến thị trường xuất khẩu.
HTX nông nghiệp Ngọc Biên đầu tư dây chuyền đóng gói sản phẩm “Gạo quê tôi” để tạo bao bì bắt mắt, nâng cao giá trị hạt gạo.
Anh Trầm Minh Thuần, Giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp cho biết: chính quyền địa phương luôn quan tâm, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể phát triển. Thời gian qua, HTX nông nghiệp Long Hiệp được thụ hưởng rất nhiều chính sách của Trung ương, địa phương để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cụ thể, HTX được tỉnh hỗ trợ 03 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng quy mô 1.000m2 có sức chứa 3.000 tấn lúa cho thành viên; được bố trí 350m2 đất từ quỹ đất công của địa phương và hỗ trợ 600 triệu đồng để xây dựng trụ sở. Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ 320 triệu đồng để HTX mua máy móc thiết bị đóng gói gạo… Ngoài ra, HTX còn được tiếp cận chính sách thu hút lao động trẻ có trình độ cao về làm việc có thời hạn tại HTX, được ngân sách tỉnh trả lương.
HTX nông nghiệp Ngọc Biên (huyện Trà Cú) thành lập năm 2022, chuyên sản xuất, kinh doanh lúa, gạo. Nông dân tham gia HTX được hỗ trợ 50% chi phí giống ST25; phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được mua giá gốc; đầu ra được bao tiêu giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg nên nông dân đạt lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn khoảng 20% so với khi chưa tham gia HTX.
Ông Lê Phúc Hiền, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Biên cho hay, khi mới thành lập HTX có 55 thành viên sản xuất trên 100ha. Đến nay đã phát triển lên 102 thành viên sản xuất tổng diện tích 500ha. Ngoài ra HTX cũng liên kết sản xuất, bao tiêu cho 70 hộ trồng lúa ở huyện Trà Cú và Duyên Hải, trên diện tích 150ha. Mỗi năm, HTX bao tiêu cho thành viên và các hộ liên kết khoảng 2.500 tấn lúa thương phẩm; cung ứng cho thị trường khoảng 1.400 tấn gạo.
Thương hiệu “Gạo quê tôi” của HTX nông nghiệp Ngọc Biên đạt chuẩn VietGAP và là sản phẩm OCOP 3 sao, được thị trường nhiều tỉnh, thành trong nước đón nhận. Đặc biệt, thông qua liên kết với một số công ty, sản phẩm “Gạo quê tôi” đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, và đang hướng đến các thị trường một số nước khác.
Bà Thạch Thị Hào, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, thành viên HTX Ngọc Biên cho biết, từ khi tham gia HTX, ruộng lúa 03ha của gia đình bà luôn đạt lợi nhuận từ 40 triệu/ha/vụ trở lên, cao hơn từ 05 - 10 triệu/ha so với trước đó. Việc sử dụng giống ST25 do HTX cung cấp từ đầu vụ và canh tác hữu cơ theo hướng dẫn của HTX, ruộng lúa gia đình bà phát triển rất tốt, đặc biệt kháng được các bệnh thường gặp như sâu cuốn lá, rầy nâu đục thân, đạo ôn lá, lại không bị chuột cắn phá và chống chịu được với phèn, mặn, không bị đổ ngã nên năng suất đạt cao hơn khoảng 01 tấn/ha/vụ. Cùng với giá lúa được HTX bao tiêu cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg nên thu nhập gia đình bà được cải thiện đáng kể.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông, hiện tỉnh Trà Vinh có 37 HTX nông nghiệp và 01 liên hiệp HTX sản xuất lúa thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với tổng diện tích khoảng 5.000ha tập trung tại 06 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh gồm: Càng Long, Cầu Kè, Cầu Ngang, Châu Thành, Tiểu Cần, Trà Cú.
Nhờ áp dụng các loại giống mới, giống xác nhận và các quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng, tưới ngập khô xen kẽ (AWD),... nên năng suất và chất lượng lúa ở Trà Vinh tăng cao, kháng được sâu bệnh. Vì vậy, diện tích sản xuất lúa những năm gần đây tuy giảm nhưng sản lượng lúa gạo vẫn đảm bảo ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng lúa.
Để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo, ngành chức năng tỉnh Trà Vinh chú trọng việc vận động người dân tổ chức lại sản xuất, tham gia HTX để giảm chi phí trung gian, từ đó giảm được giá thành. Đồng thời, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đăng ký mã số vùng trồng, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...), sản xuất có chứng nhận, tham gia chương trình OCOP, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ngành nông nghiệp cũng phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp được tiếp cận các chính sách Trung ương, địa phương để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.