08/11/2021 08:32
Trong khi nhiều bạn trẻ chọn cách rời quê hương, lên thành phố lập nghiệp thì anh Trần Trung Trí, Bí thư Chi đoàn ấp Số 7, xã Mỹ Cẩm trở thành tấm gương tiêu biểu của thanh niên nông thôn muốn làm giàu trên chính mãnh đất quê hương.
Với vai trò Bí thư Chi đoàn ấp Số 7, Trần Trung Trí nhận thức được rằng cố gắng phấn đấu, nỗ lực trong mọi phong trào Đoàn, để làm được điều đó, trước tiên phải phát triển kinh tế gia đình ổn định. Tuy tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành kế toán doanh nghiệp nhưng Trí chọn bước đi táo bạo khác xa ngành học “Nuôi lươn sinh sản” để khởi nghiệp. Bước đầu gặp nhiều khó khăn về vốn, chọn con giống, do lươn là loài lưỡng tính khó phân biệt đực, cái. Nhưng nhờ tính kiên nhẫn, ham học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ nhiều mô hình khác nhau và tìm tòi trên mạng nên anh đã mạnh dạn đầu tư và gặt hái được thành công.
Anh Trí chia sẻ: để tiết kiệm chi phí tôi dùng tre cố định bạt cao su đen để làm bể nuôi. Khởi nghiệp với 1.000 con lươn, sau 06 tháng nuôi, lươn phát triển tốt. Tuy nhiên, không xuất bán lươn thịt mà quyết định nuôi lươn sinh sản để nhân giống. Nuôi lươn quan trọng nhất là sử dụng nguồn nước lắng lọc kỹ, đảm bảo pH từ 5,5 - 8,5 (ưu tiên chọn nước có trồng rau mát hoặc nước máy đã để lắng 24 tiếng) và có dây ni-lông để lươn trú ẩn. Lươn con sau 06 tháng nuôi, đạt trọng lượng từ 200gram/con trở lên sẽ bắt đầu sinh sản. Khi quan sát trên mặt bể có mảng bọt nước, càng lúc càng to ra thì lươn sẻ sinh sản, tôi vớt trứng vào các khay nhựa để ấp trứng và ương dưỡng lươn con.
Theo anh Trí, việc chăm sóc lươn con cũng đơn giản, lúc mới nở cho ăn trùn chỉ, sau đó chuyển sang ăn trùn quế xay nhuyễn. Từ 1,5 - 02 tháng tuổi, cho ăn thức ăn công nghiệp và bắt đầu xuất bán con giống. Hiện tại tôi có 02 bể nuôi lươn giống diện tích 10m2/bể, mỗi bể chứa được 500 con lươn bố mẹ; 02 khay ấp trứng mỗi khay chứa 4.000 con lươn con. Mỗi tháng xuất bán 8.000 con lươn con, giá bán là 3.500 đồng/con, trừ chi phí thu lãi 11 triệu đồng.
Tiếng lành đồn xa, nhiều hộ dân trong và ngoài xã tìm đến mô hình của anh Trí để học hỏi kinh nghiệm nhưng đến hiện tại chưa có hộ nào đầu tư nuôi lươn sinh sản, chỉ mua con giống về nuôi lươn thương phẩm. Tuy nhiên, nuôi lươn thương phẩm cũng đem lại thu nhập rất khá cho các hộ nuôi (trừ chi phí sau 8 tháng nuôi thu lãi 23.000 đồng/con). Ngoài ra, Trí còn thành lập nhóm “Hội nuôi lươn giống Trà Vinh” trên facebook có trên 100 thành viên tham gia học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tạo đầu ra ổn định cho con lươn.
Với trách nhiệm là Bí thư Chi đoàn ấp Số 7 tôi luôn tích cực vận động đoàn viên, thanh niên tham gia tốt các hoạt động Đoàn, như: Chủ nhật xanh, thứ Bảy tình nguyện, tuyên truyền, tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở địa phương… và vinh dự được Ban Chấp hành Huyện Đoàn Càng Long “Biểu dương Bí thư Chi Đoàn tiêu biểu năm 2021”.
Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, sự say mê, ham học hỏi, Trần Trung Trí là tấm gương sáng cho các bạn trẻ noi theo về phong trào “xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Anh Trần Trung Trí với Mô hình nuôi lươn sinh sản.
Bài, ảnh: THANH XUÂN
Thời gian qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc luôn hoàn thành tốt vai trò là cầu nối trong việc triển khai, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào Khmer. Ông Kim So ở ấp Trà Cú A, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú là một gương điển hình tiêu biểu.