15/12/2020 14:03
Bà Diệp Thị Trang bên các sản phẩm đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ.
Đặc trưng của Đại An là đất giồng cát và đất triền giồng, thích hợp cho các loại tre, trúc phát triển. Điều kiện tự nhiên đã hình thành làng nghề đan đát, tiểu thủ công nghiệp Đại An khoảng 100 năm. Trình độ tay nghề của người dân nơi đây rất điêu luyện cùng với nguồn nguyên liệu tre, trúc tại địa phương rất dồi dào đã tạo thuận lợi cho sự phát triển làng nghề với các dòng sản phẩm như: giường, bàn, ghế, thúng, xà neng, xà ngôn, rổ rá... phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Tuy nhiên, thu nhập của người dân làm nghề đan đát bấp bênh do sản phẩm làm ra không thu nhiều lợi nhuận. Sau nhiều năm trăn trở, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường, bà Diệp Thị Trang đã tìm tòi, tạo những sản phẩm có kích cỡ nhỏ, tinh xảo mô phỏng lại những sản phẩm đa dạng của làng nghề. Nhờ hướng đi phù hợp đó, từ năm 2007 đến nay, các sản phẩm đan đát thu nhỏ dùng để trang trí nội thất, làm quà lưu niệm, quà tặng phục vụ du lịch rất được ưa chuộng, giúp thu nhập người dân tăng dần, đời sống người dân làm nghề đan đát ấp Giồng Đình chuyển biến tích cực.
Bà Diệp Thị Trang chia sẻ: do là nghề truyền thống nên người dân nơi đây biết làm từ nhỏ, việc vót nan, đan đát rất thuần thục, bình quân một người làm ra 20-30 cái/ngày. Hiện nay, đầu ra mặt hàng thủ công mỹ nghệ rất ổn định, số đơn đặt hàng hiện vượt khả năng cung ứng. Tuy nhiên, do là hàng thủ công mỹ nghệ, phục vụ du lịch nên yêu cầu khá cao về kỹ thuật, một số sản phẩm không đạt yêu cầu tôi không thu. Trước đây, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 500-600 bộ (12 sản phẩm/bộ) nhưng khoảng 03 năm gần đây, tiêu thụ trên 1.500 bộ/tháng. Thời nay đến tết Nguyên đán đơn đặt hàng tăng, nên các thành viên tập trung làm rất nhiều.
Lúc chúng tôi đến làng nghề gặp bà Diệp Thị Trang cũng là lúc có khách hàng từ Đồng Tháp đến chờ nhận 100 bộ sản phẩm. Do có một sản phẩm thợ chưa làm kịp để giao nên khách hàng phải đợi đến chiều. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, Sở Công thương, bà Diệp Thị Trang đã tập huấn truyền nghề gần 20 lớp cho những thành viên tham gia làm các sản phẩm thu nhỏ. Bà Diệp Thị Trang thông tin thêm: có thời gian, địa phương thành lập nhiều tổ hợp tác đan đát, nhưng để phù hợp với điều kiện của người dân nơi đây, nay ấp Giồng Đình còn 02 tổ với 87 thành viên. Bởi cọng nan làm các sản phẩm này phải được vót rất nhỏ, sau khi vót nan phải làm ngay, cọng nan có độ dẻo phù hợp để đan, xoay vòng, nếu để lâu, cọng nan giòn, dễ gãy, không đan được. Vì vậy, người dân làm bộ đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ chủ yếu vót nan bằng tay, không thể dùng máy vót được. Với giá bán 100.000-120.000 đồng/bộ nhỏ, loại lớn hơn thì có giá 180.000 đồng/bộ, nếu tính chi phí nguyên liệu thì lợi nhuận thu được 07-08 lần nhưng thời gian bỏ ra làm từng sản phẩm lâu hơn so với những đồ dùng bình thường.
Được Sở Công thương và các ngành, các cấp quan tâm xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm làng nghề nên đầu ra tăng lên, chúng ta dễ dàng tìm thấy những sản phẩm đồ dùng thu nhỏ này được trưng bày tại các showroom quà tặng tại nhiều điểm du lịch. Nhờ đó, những năm qua nhiều lao động tại địa phương đã được giải quyết việc làm tại chỗ, trong đó, đa số có độ tuổi từ 40-60 tuổi trở lên, vừa đan đát vừa chăm lo gia đình, thu nhập đạt khoảng 03 triệu đồng/tháng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.