29/03/2021 11:07
Người dân theo dõi sự phát triển của cây nưa.
Là cây trồng chủ lực của xã nhưng do đầu ra chưa nhiều nên người dân chưa phát triển diện tích trồng. Năm 2020, toàn xã An Quảng Hữu có trên 20 hộ trồng được 07ha nưa, tăng 0,8ha so năm 2019, năng suất 18 tấn củ/ha, tương đương khoảng 03 tấn bột/ha, tập trung nhiều ở ấp Dầu Đôi, Vàm, Sóc Tro Dưới.
Anh Trần Minh Toàn, công chức nông nghiệp xã cho biết, cây nưa có lợi ích kinh tế khá lớn, nông dân thu lợi nhuận 140 - 150 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Tuy nhiên do thiếu nguồn giống nên khó mở rộng diện tích. Hơn nữa, do chưa quảng bá được rộng rãi nên ít người biết về bột nưa, đầu ra chưa được nhiều nên một số hộ còn ngại đầu tư sản xuất.
Cơ sở kinh doanh bột nưa Minh Hùng (ấp Vàm) là đơn vị sản xuất bột nưa nhiều nhất của xã, năm 2020, ông Hứa Minh Hùng (chủ cơ sở) trồng khoảng 0,4ha nưa và thu mua khoảng 20% số nưa tại địa phương để chế biến bột bán ra thị trường. Năm 2020, cơ sở sản xuất khoảng 07 tấn bột nưa, đến nay bán trên 04 tấn, còn tồn lại hơn 02 tấn.
Ông Hứa Minh Hùng cho biết, do giá trị kinh tế khá cao, dễ trồng nên nhiều người muốn đầu tư trồng thêm nưa nhưng còn ngại đầu ra. Nhờ đầu tư máy mài và máy sấy nhằm đảm bảo chất lượng bột nưa làm ra nên vụ nưa vừa rồi, tôi mua trên 100 tấn nưa để chế biến nhưng chưa thể thu mua hết số nưa người dân địa phương trồng. Nhằm hỗ trợ người dân sản xuất, tôi đầu tư cho 05 hộ trồng, thu mua lại củ, còn lại người trồng tự chế biến bán lẻ.
Còn hộ chị Tải Thị Diệu, ấp Sóc Tro Dưới cũng là hộ vừa trồng vừa thu mua củ nưa để chế biến thêm. Chị chia sẻ: thấy trồng nưa hiệu quả nên 02 năm qua, gia đình tôi chuyển gần 2.000m2 từ đất mía sang trồng nưa. Được chính quyền địa phương hỗ trợ tìm nguồn giống, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu hoạch nên năng suất đạt khá cao. Năm 2019, gia đình tôi thu hoạch và tự chế biến bán, thấy hiệu quả kinh tế khá cao nên năm 2020 tôi mua thêm gần 10 tấn củ nưa về chế biến thêm. Tuy nhiên, năm nay đầu ra chậm hơn, tôi chỉ bán được 0,4 tấn bột, còn lại trên 01 tấn.
Việc đa dạng hóa cây trồng phù hợp thực tế địa phương là một hướng đi mới giúp người dân hạn chế được tình trạng cung vượt cầu. Đối với bột nưa, nếu được tổ chức sản xuất theo hướng khép kín và liên kết phát triển đầu ra thì hiệu quả kinh tế cho người trồng nưa sẽ cao hơn.
Ông Kim Xiênl, Chủ tịch UBND xã An Quảng Hữu nhận định: cây nưa phù hợp trồng ở một số khu vực, thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa nên chính quyền địa phương có định hướng phát triển diện tích, giúp người dân chuyển đổi cây trồng đạt giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, do thiếu nguồn giống và chưa quảng bá được đến nhiều người nên đầu ra có phần hạn chế. Bên cạnh, khu vực đất thịt, nưa phát triển, cho củ tốt nhưng nếu đất quá cứng lại khó thu hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng bột khi làm ra. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tìm ra giải pháp giúp phát triển diện tích trồng nưa, đặc biệt tìm thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện giúp người dân địa phương mở rộng sản xuất, góp phần xóa nghèo, XDNTM.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.