21/05/2021 08:42
Sản phẩm phôi nút áo làm từ gáo dừa của bà Lê Thị Thanh Thủy, chủ DNTN than gáo dừa Bảy Khuynh thu hút giới trẻ.
Những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Trà Vinh được cải thiện nhưng chưa đạt được kết quả cao so với mặt bằng chung của cả nước, được thể hiện qua chỉ số PCI. Cụ thể: năm 2016 - hạng 42/63; năm 2017 - hạng 37/63, năm 2018 - hạng 46/63, năm 2019 xếp hạng 58/63 và năm 2020 xếp hạnh 48/63 tỉnh, thành phố của cả nước. |
Để Trà Vinh từng bước cải thiện môi trường kinh doanh và phấn đấu trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tỉnh đã triển khai thực hiện bộ chỉ số năng lực cạnh tranh sở, ngành tỉnh và địa phương (DDCI) để nhận diện cụ thể hơn công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các sở, ngành và địa phương trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ông Hồng Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết với mong muốn tạo kênh tin cậy tiếp thu, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, giữa năm 2019 tỉnh đã thí điểm khảo sát DDCI trên cơ sở tiếp thu phương pháp triển khai DDCI của tỉnh Quảng Ninh, nhưng áp dụng chưa phù hợp và chưa khoa học đã dẫn đến việc doanh nghiệp từ chối tham gia đánh giá theo hình thức họp mặt và kết quả chưa nhận được đồng thuận từ các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Từ hạn chế trên, được sự hỗ trợ vốn của Ban Quản lý Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh (Dự án SME Trà Vinh), Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức đấu thầu rộng rãi và tuyển chọn được đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng để thực hiện gói thầu Nghiên cứu và xây dựng bộ tiêu chí năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị (DDCI) và thực hiện đánh giá DDCI hàng năm. Kết quả, bộ chỉ số DDCI tỉnh Trà Vinh được ban hành gồm 09 chỉ số thành phần và đã triển khai khảo sát lấy ý kiến đối với 12 sở, ngành và 09 UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Từ khi tái lập tỉnh, Trà Vinh là một trong những tỉnh nghèo ở ĐBSCL. Thời gian qua, được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức và không ngừng phát triển, đặc biệt là việc quy hoạch Khu Kinh tế Định An và tập trung đầu tư, đưa vào sử dụng một số dự án trọng điểm đã tạo điều kiện không chỉ riêng Trà Vinh phát triển mà cả vùng ĐBSCL phát triển bứt phá trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế của tỉnh Trà Vinh tăng trưởng cao nhất vùng, bình quân 11,95%/năm.
Giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Trà Vinh đặt mục tiêu vươn lên trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL. Để thực hiện mục tiêu này, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh đã quyết tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: xác định vùng phát triển kinh tế biển gồm 05 đơn vị cấp huyện ven biển với diện tích 152.256ha (gần 65% diện tích toàn tỉnh). Chủ động rà soát, điều chỉnh và xây dựng đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển của tỉnh và các tỉnh lân cận. Tập trung phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản và nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản; tăng cường các hoạt động bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức hợp tác. Đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, kết hợp khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng. Tập trung kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp ven biển, nhất là công nghiệp sửa chữa và đóng tàu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ; xác định ngành công nghiệp năng lượng tái tạo là động lực tăng trưởng mới của tỉnh. Tranh thủ các nguồn lực tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu Kinh tế Định An, kiến nghị Trung ương sớm thi công cầu Đại Ngãi, đầu tư các tuyến đường hành lang ven biển; hoàn thiện Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu, nạo vét sông Cổ Chiên; đầu tư hoàn thành Khu Dịch vụ công nghiệp Ngũ Lạc. Kêu gọi đầu tư Cảng nước sâu và các bến tàu thủy nội địa phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng biển đã được duyệt.
Theo ông Hồng Ngọc Hưng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hay nâng cao năng lực điều hành cấp sở, ngành, huyện, thị là chặng đường dài, vì vậy, việc tiếp cận và nhận hỗ trợ về vốn và kỹ thuật từ Dự án SME Trà Vinh được xem là một trong những lợi thế trong cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực điều hành của tỉnh. Năm 2021, thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Đại sứ quán Canada, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với Dự án SME Trà Vinh thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đề án phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh theo hướng bền vững đến năm 2030 nhằm thu hút đầu tư, phát triển về chất lượng và số lượng doanh nghiệp; đồng thời tập trung duy trì việc đánh giá DDCI hàng năm, từng bước cải thiện môi trường kinh doanh và phấn đấu trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.