21/09/2021 07:36
Bệnh chỉ gây ra đối với trâu, bò, không lây nhiễm sang người. Khi gia súc bị nhiễm bệnh, nên tiêu hủy ngay nhằm kịp thời cắt đứt nguồn lây, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Trong quá trình vận chuyển, giết mổ gia súc cần tuân thủ theo các quy định của ngành thú y.
Thú y viên thực hiện tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục trên đàn bò ở huyện Trà Cú.
Trong khuyến cáo về sử dụng sản phẩm thịt gia súc, đặc biệt là thịt trâu, bò hiện nay trước tình hình bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên trâu, bò. Qua trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Đức Thạnh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: bệnh viêm da nổi cục không lây nhiễm sang người, tuy nhiên trong quá trình sử dụng, người tiêu dùng cần cẩn trọng việc sử dụng thịt trâu, bò phải đảm bảo thịt sạch, không làm thịt, giết mổ gia súc có nghi nhiễm bệnh viêm da nổi cục để tránh làm lây mầm bệnh ra ngoài môi trường. Trong quá trình chế biến thịt và các phụ phẩm từ thịt, cần tuân thủ nguyên tắc nấu chín, đun sôi…
Đối với các cơ sở giết mổ và quầy hàng bán thịt gia súc phải đảm bảo vệ sinh, khử khuẩn định kỳ nhằm tiêu diệt mầm bệnh (nếu có) và không mua, bán, vận chuyển gia súc có các triệu chứng nghi nhiễm bệnh viêm da nổi cục; phải kịp thời thông báo cho ngành chuyên môn (Thú y) và chính quyền địa phương. Để đảm bảo tốt trong công tác quản lý và phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, đặc biệt đối với địa bàn huyện Cầu Kè là một trong những địa phương có số cơ sở giết mổ và quầy hàng bán thịt trâu, bò tập trung nhiều nhất trong tỉnh ở các xã như thị trấn Cầu Kè, Phong Thạnh, Thông Hòa, Thạnh Phú…
Theo bà Sử Thanh Trúc, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cầu Kè: trước tình hình bệnh viêm da nổi cục xuất hiện ở trâu, bò; đối với huyện hiện có tổng đàn gần 19.000 con trâu, bò. Là địa phương tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Long và có số lượt vận chuyển trâu, bò ra, vào huyện với số lượng khá lớn; cùng với đó là các cơ sở giết mổ, điểm bán lẻ, sỉ thịt trâu, bò cung cấp cho khách hàng trong và ngoài tỉnh rất lớn. Để đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò; huyện đã kịp thời chỉ đạo cho ngành Thú y và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ sở, hộ giết mổ gia súc làm bản cam kết thực hiện đúng các hướng dẫn trong giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ gia súc.
Cũng theo bà Sử Thanh Trúc, đối với các điểm, quầy bán thịt động vật sống (trâu, bò…) sẽ do địa phương quản lý và nắm tình hình để kiểm tra, giám sát việc giết mổ, buôn bán sản phẩm thịt phải được kiểm dịch từ cán bộ thú y. Riêng gia súc (trâu, bò…) khi vận chuyển và mua bán ra khỏi huyện phải có giấy xét nghiệm âm tính bệnh viêm da nổi cục từ ngành Thú y. Đối với dịch bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại hộ chăn nuôi ở ấp Cây Gòn, xã Phong Thạnh hiện đã được người dân và cán bộ thú y thực hiện điều trị dứt điểm đối với triệu chứng bệnh viêm da nổi cục, số bò mắc bệnh đã hồi phục.
Theo ông Ngô Đức Thạnh, do vi-rút viêm da nổi cục tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô. Đặc biệt khi chuồng trại bị ô nhiễm, vi-rút có thể tồn tại trong nhiều tháng; là những nguyên nhân làm dịch bệnh phát sinh, lây lan và khó kiểm soát. Vì vậy, ngành Thú y khuyến cáo người chăn nuôi, các cơ sở và người giết mổ gia súc phải thực hiện tốt việc khử trùng nơi tập trung gia súc trước, trong và sau khi giết mổ; vệ sinh thật tốt các bề mặt và dụng cụ trong giết mổ và phương tiện vận chuyển... để kiểm soát và hạn chế thấp nhất mầm bệnh (nếu có) sẽ không làm phát tán, lây lan cho đàn gia súc khỏe mạnh khác.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.