07/05/2023 07:09
Đồng chí Nguyễn Thanh Thành, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá tỉnh cho biết: hiện nay, Cảng cá Định An (thị trấn Định An, huyện Trà Cú) đang xuống cấp, nhất là hệ thống mái che của các nhà tiếp nhận hải sản nên khi vào mùa mưa, các phương tiện đánh bắt xuống hải sản và thương lái vào thu mua, thực hiện phân loại hải sản gặp nhiều khó khăn. Năng lực tiếp nhận các phương tiện vào cảng (khoảng 100 ghe, tàu) và phương tiện vào cảng xuống hải sản, hoạt động đông ken nhất từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm.
Tàu đánh bắt hải sản cập Cảng cá Định An bốc dở hải sản sau chuyến ra khơi.
Qua ghi nhận của chúng tôi tại Cảng cá Định An trong những ngày cuối tháng 4/2023, hoạt động của các phương tiện đánh bắt về đây khá nhiều. Đặc biệt, nhiều sản phẩm hải sản có giá trị lớn được bốc dở xuống tại cảng và được các xe tải đông lạnh của nhiều địa phương như Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ… thu mua, vận chuyển ra, vào Cảng cá Định An khá nhộn nhịp. Tại đây, các loại hải sản, như cá chim (giá dao động 350.000 - 500.000 đồng/kg, tùy loại); cá bốp 230.000 - 250.000 đồng/kg; cá thu 120.000 đồng/kg và các loại mực dao động 180.000 đồng/kg (mực ống), 230.000 đồng/kg (mực lá)…
Ngư dân Trần Công Đức, Khóm 1, thị trấn Định An, huyện Trà Cú cho biết: sau mỗi chuyến đánh bắt, tàu cá của gia đình đều về cập Cảng cá Định An; mùa đánh bắt năm nay tuy giá hải sản có tăng hơn trước, nhưng sản lượng không bằng những tháng đầu năm 2022; do gần nhà nên bán cá tại đây rất thuận lợi sau mỗi chuyến ra khơi.
Còn ngư dân Nguyễn Văn Minh, chủ tàu cá ở Cà Mau vừa cập Cảng cá Định An để xuống hải sản, chia sẻ: Cảng cá Định An tàu vào, ra khá thuận lợi cho các phương tiện đánh bắt trong vùng lộng. Thời điểm này, giá hải sản cũng khá ổn định và tàu cá của gia đình cũng được mùa mực và cá chim; đây là 02 loại hải sản chủ lực trong mùa cá từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm.
Cảng cá Định An là cảng cá loại B và được đầu tư xây dựng từ năm 2006 và nâng cấp mở rộng vào năm 2010; với quy mô diện tích khoảng 02ha và khu vực dịch vụ hậu cần. Cảng cá có 02 bến cập tàu và 04 nhà tiếp nhận, phân loại hải sản. Năm 2022, số lượng tàu vào, ra cảng là 2.773 lượt (tăng 70,90% so với năm 2021), với tổng sản lượng hàng hóa thủy sản vào cảng 18.672 tấn (tăng 61.97% so với năm 2021); riêng trong quý I/2023, Cảng cá Định An đã tiếp nhận 333 lượt tàu cá cập cảng, với tổng sản lượng hàng hóa thủy sản thông qua Cảng cá Định An đạt 3.460 tấn.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thanh Thành, Cảng cá có khả năng tiếp nhận khoảng 100 phương tiện lên xuống hàng hóa hải sản và tiếp nhận nhiên liệu, hàng hóa thiết yếu (nước đá, thực phẩm…). Nhờ thực hiện tốt công tác phối kết hợp tốt với các đơn vị như Tổ công tác Biên phòng Cảng cá Định An, Công an thị trấn Định An, tổ tự quản… thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự trong Cảng đảm bảo ổn định an ninh trật tự. Qua đó thu hút được tàu thuyền trong tỉnh và ngoài tỉnh ra vào Cảng ngày càng nhiều, kể cả khách hàng đến mua bán, sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Cảng cá cũng gặp không ít khó khăn như ghe tàu vào cập Cảng phải phụ thuộc vào thủy triều, nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động Cảng. Hiện Cảng cá Định An bị bồi lắng nhanh, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cập cảng. Cảng cá Định An hiện nay còn một số hạng mục công trình xây dựng đã được đầu tư và sử dụng trong thời gian dài, nay bị xuống cấp, cần nâng cấp, để nâng cao chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.