15/01/2021 05:31
Người dân vận chuyển, thu gom các sản phẩm thủy hải sản tại Cảng cá Định An.
Theo ông Nguyễn Văn Ngon, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Định An: về quy mô, Cảng cá Định An còn nhỏ so với một số cảng cá khác trong khu vực (bến cập tàu chỉ khoảng 350m) nhưng lượng tàu thuyền vào cảng khá nhiều, không chỉ tàu của ngư dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ mà còn nhiều tỉnh khác như: Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu… hệ thống thu mua hải sản tại cảng khá tốt, dịch vụ hậu cần nghề cá đảm bảo phục vụ ngư dân với giá hợp lý, nhất là mặt hàng nước đá nên nhiều tàu chọn cập bến tại Cảng cá Định An. Các sản phẩm hải sản tại cảng được thương lái thu mua đưa đi các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, chợ đầu mối Bình Điền (Thành phố Hồ Chí Minh)…
Ngư dân Lê Thanh Phong (Bến Tre) vừa cập cảng, sau khi bán được gần 03 tấn hải sản, chuẩn bị sửa lại ngư cụ tiếp tục ra khơi chia sẻ: tàu của tôi khoảng 12m, không lớn lắm nên dễ dàng cập cảng. Nhiều năm đi biển, chủ yếu tôi neo tàu ở Cảng cá Định An do dễ vào và thuận lợi khi bán hải sản. Khoảng 10 ngày tàu cập cảng 01 lần, quen mối bán hải sản nhanh chóng, hơn nữa có sẵn các dịch vụ cần thiết để đi biển nên khi vào bán hải sản, cho anh em nghỉ ngơi 01 ngày, lấy nhiên liệu, nước đá, thức ăn rồi tiếp tục ra khơi.
Nhờ những thuận lợi cơ bản, hoạt động của Cảng cá ngày càng phát triển, đặc biệt, từ khi Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào Sông Hậu đưa vào khai thác (năm 2016) đến nay, mật độ tàu thuyền cập cảng cá ngày càng nhiều do có những thuận lợi cơ bản, nhất là thời gian vào cảng được rút ngắn và tàu vào cảng đảm bảo an toàn. Vào năm 2017, có thời điểm lên đến gần 200 tàu/ngày, sản lượng thủy, hải sản thông qua cảng lên đến 25.000 tấn/năm, kéo theo nhu cầu cung cấp dịch vụ hậu cần cho tàu thuyền của ngư dân tăng.
Tàu cập Cảng cá Định An.
Ban Quản lý Cảng cá Định An luôn quan tâm việc kiểm soát sản lượng, đảm bảo quy định về lưu thông hàng hóa tại cảng nhằm khẳng định được giá trị, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản khai thác phục vụ thị trường. Do đó, việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng, kiểm soát chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác… được thực hiện tốt hơn. Thời gian tới, Ban Quản lý Cảng cá Định An tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản, giáo dục pháp luật giúp ngư dân nâng cao nhận thức trong khai thác, đánh bắt đúng quy định pháp luật và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm được đánh bắt. Từ đó, thúc đẩy gia tăng tổng sản lượng thủy sản khai thác và giá trị ngành hàng thủy sản của tỉnh, tạo ra sản phẩm đảm bảo phục vụ cho tiêu dùng và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Chiều ngày 03/4, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Càng Long phối hợp với xã Huyền Hội tổ chức hội thảo mô hình chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (Đề án 01 triệu héc-ta) tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thành Đạt, xã Huyền Hội.