29/03/2021 08:08
Phương tiện cơ giới nạo vét kênh nội đồng, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp ở xã Phong Phú.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, để chủ động phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô 2020 - 2021; Huyện đã đầu tư nạo vét 34 tuyến kênh cấp II và cấp III với tổng chiều dài gần 46km. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện cơ bản đảm bảo đủ nguồn nước ngọt đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.
Ông Nguyễn Văn Chiến, ở ấp Cây Gòn, xã Phong Thạnh cho biết: trong vụ lúa Đông - Xuân 2020 - 2021, gia đình ông xuống giống được 1,3 ha, hiện trà lúa đang trổ, đây là giai đoạn quan trọng cây lúa cần được cung cấp đủ nước cũng như dinh dưỡng để phát triển tốt và đạt năng suất cao. Mặc dù hiện nay đang trong giai đoạn đỉnh điểm của mùa khô, độ mặn trên tuyến Sông Hậu đang ở mức cao và các cống thủy lợi đầu mối như Rạch Rum ở xã Hòa Tân, Mỹ Văn ở xã Ninh Thới, Bông Bót, Tân Dinh ở xã An Phú Tân đã được đóng lại để ngăn mặn, nhưng lượng nước ngọt dự trữ bên trong các tuyến kênh nội đồng còn khá nhiều, vẫn đảm bảo đủ nước cho nông dân bơm tát lên đồng ruộng, cây lúa sinh trưởng tốt và hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Ông Chiến cho biết: “Vụ lúa đông - xuân năm 2019 - 2020, điều kiện thủy lợi một số đoạn kênh chưa hoàn chỉnh cho nên lượng nước phục vụ cho sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, người dân bơm tát phải chắt chiu mới đủ nước để phục vụ cho sản xuất. Nhưng mùa khô 2020 - 2021, các ngành chức năng, chính quyền địa phương có quan tâm khảo sát các đoạn kênh bị cạn, đầu tư nạo vét hoàn chỉnh, lượng nước phục vụ đảm bảo cho nên người dân rất phấn khởi. Vụ lúa đông - xuân 2020 - 2021 của gia đình còn khoảng 02 tuần nữa là thu hoạch, đảm bảo năng suất”.
Được biết, vụ lúa đông - xuân 2020 - 2021 toàn huyện Cầu Kè xuống giống hơn 7.400ha, nhờ chủ động trong công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh nội đồng bị bồi lắng, đặc biệt là ở các khu vực gò cao thường bị thiếu nước ngọt như ở các xã Phong Phú, Châu Điền, Hòa Ân và Phong Thạnh… hiện tại, hầu hết các diện tích lúa đông- xuân 2020 - 2021 của huyện đều đảm bảo đủ nguồn nước tưới và phát triển tốt.
Ông Thạch Giàu, ở Ấp 2, xã Phong Thạnh cho biết: với diện tích gần 0,4ha vụ lúa đông - xuân năm rồi ông sản xuất bị thua lỗ nặng vì thiếu nước ngọt bơm tát lên ruộng, mặc dù ruộng của ông nằm cặp tuyến kênh, máy bơm được túc trực sẵn, nhưng do nguồn nước dưới kênh cạn kiệt máy bơm không hoạt động được. Kênh thủy lợi của Ấp 2 được nạo vét, nhờ đó, ruộng lúa của ông Giàu cũng như nhiều hộ dân khác đang phát triển tốt, trong vài ngày tới thu hoạch và hứa hẹn cho năng suất bội thu. Ông Thạch Giàu phấn khởi: “Kênh nội đồng được nạo vét sâu, lượng nước ngọt dự trữ nhiều, đảm bảo đủ nước tưới cho cây lúa”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cầu Kè còn có hàng ngàn héc-ta diện tích vườn cây ăn trái, hoa màu nông dân cũng đảm bảo được lượng nước ngọt để tưới tiêu và đang phát triển tốt. Anh Trần Quốc Dân, ở Ấp 3, xã Phong Phú trồng 400 cây đu đủ, xen 1.800 cây ớt trên diện tích 0,3ha, do đất nằm ở khu vực gò cao nên những năm trước đây thường bị thiếu nước vào mùa khô, sản xuất gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ khi được Nhà nước đầu tư hệ thống trạm bơm kết hợp với kênh bê-tông nổi thì bài toán nan giải về nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp ở đây đã được giải quyết. Vườn đu đủ và ớt của anh Dân đang phát triển tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Ông Hứa Thanh Sơn, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông huyện Cầu Kè cho biết, khi kiểm tra độ mặn dưới 01‰, các cống thủy lợi được mở, để trữ nước ngọt trong nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của Nhân dân”.
Về giải pháp ứng phó khô hạn, mặn ở địa phương, ông Phạm Văn Kha, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết, để đủ nước phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân, ngành nông nghiệp phối hợp cùng các xã, thị trấn chủ động nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng, khuyến cáo nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, né khô hạn, nước mặn xâm nhập; vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu, thích nghi với từng vùng sinh thái; khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp tưới nhỏ giọt, phun sương trong sản xuất để tiết kiệm nước…
Bài, ảnh: QUANG HUY
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.