31/07/2021 08:04
Thương lái thu mua chôm chôm từ cù lao Tân Qui vận chuyển qua đất liền.
Hiện nay, nhà vườn huyện Cầu Kè đang vào vụ thu hoạch rộ nhãn, chủ yếu là nhãn xuồng cơm vàng và nhãn da bò; do đặc điểm nhãn khi chín không “neo trái” trên cây được lâu và phải thu hoạch trong vài ngày. Với diện tích nhãn hiện có khoảng 1.000ha; bình quân cho năng suất 15-20 tấn/ha, tập trung nhiều ở xã Ninh Thới, Hòa Tân và An Phú Tân.
Ông Đặng Văn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Thới cho biết: hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 100ha nhãn, trong đó có 60% diện tích đang cho trái. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, số lượng nhãn của địa phương đang phải thu hoạch gần 15ha và gặp khó về đầu ra, do có rất ít thương lái đến thu mua và dự kiến đến cuối tháng 7/2021, sản lượng nhãn thu hoạch khoảng 200 tấn. Hiện nay, thông qua đầu mối tiêu thụ nông sản do Hội Nông dân huyện liên kết với đơn vị Bách hóa Xanh trong tỉnh, từ ngày 19-22/7/2021, nhà vườn xã Ninh Thới đã tiêu thụ được khoảng 13 tấn nhãn với giá 10.000 đồng/kg và bán ra ngoài cho thương lái từ đầu tháng 7 đến nay khoảng 07 tấn (giá dao động từ 7.000-8.000 đồng/kg).
Tại vùng chuyên cây nhãn ở cồn An Lộc (xã Hòa Tân) hiện có khoảng 15ha nhãn xuồng cơm vàng, nhãn da bò, thanh nhãn… Đến giữa tháng 7/2021, lượng nhãn của An Lộc đã thu hoạch và tiêu thụ trên 50%; hiện ước sản lượng còn lại khoảng 100-120 tấn. Nhà vườn Đặng Văn Đạt, ấp An Lộc, xã Hòa Tân cho biết: hiện gia đình có khoảng 0,5ha nhãn (sản lượng trên 04 tấn) đang thu hoạch, do không có thương lái nên lượng nhãn tiêu thụ rất chậm và giá giảm hơn 70% so với trước đây. Với giá thu mua 4.000 đồng/kg nhãn da bò, nhà vườn phải chịu lỗ hơn 3.000 đồng/kg so với chi phí đầu tư.
Cũng theo nhà vườn Đặng Văn Đạt, với đặc tính của cây nhãn, khi trái vào giai đoạn chín, buộc nhà vườn phải thu hoạch. Nếu không hái trái và để trái khô trên cây, sẽ làm cho cây nhãn bị suy và chết nhánh, khi đó vào mùa vụ sau sẽ không xử lý ra đọt được (tại điểm cắt chùm trái) và thời gian trái nhãn chín có thể “treo” cây khoảng 07-10 ngày, sau đó trái chín sẽ chuyển sang úng và dẫn dụ ruồi vàng đến gây hại rất nhiều… Hiện nay, để hái và làm sạch 01kg nhãn trước khi bán, nhà vườn phải chi phí thuê nhân công (hái, dọn lá, cành…) khoảng 1.000-1.100 đồng/kg.
Ngoài ra, một số cây trồng khác cũng đang gặp khó về thương lái thu mua như măng cụt (đang vào vụ), dừa sáp và dừa khô…
Nhà vườn Nguyễn Thị Lành, ấp An Hòa, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè chia sẻ: gia đình có khoảng 01ha măng cụt, do vườn măng cụt ra trái muộn, hiện mới vào vụ thu hoạch. Nhưng từ ngày 15/7 đến nay giá măng cụt liên tục giảm mạnh và không có thương lái đến thu mua; khoảng 02 ngày là thu hoạch từ 45-50kg. Giá măng cụt bán ngày 20/7/2021 giảm chỉ còn 20.000 đồng/kg, so với cùng kỳ giảm hơn 10.000 đồng/kg; cùng với đó là thương lái đến mua măng cụt cũng rất ít, phải vận chuyển ra ngoài huyện, nhưng việc đi lại rất khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19…
Nhà vườn Ninh Thới thu hoạch nhãn cung ứng cho các đầu mối liên kết tiêu thụ nông sản ở Trà Vinh.
Trước tình hình một số nông sản đang vào vụ ở Cầu Kè đang khó khăn về đầu ra, huyện đã kịp thời triển khai các kênh tiêu thụ nông sản thông qua sự hỗ trợ của các ngành như Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh… Theo ông Trương Thanh Đệ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Kè, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy giao cho Hội Nông dân huyện làm đầu mối tiêu thụ nông sản cho nông dân trong huyện, trước mắt, Hội đã liên hệ và ký kết với Hợp tác xã nông sản xanh Trà Vinh trong thực hiện tiêu thụ nhãn của nhà vườn để cung cấp cho hệ thống cửa hàng Bách hóa xanh và siêu thị, với sản lượng 05- 5,5 tấn/ngày, với giá 10.000 đồng/kg; với giá này được nhà vườn thống nhất. Riêng cam sành, hiện giá tiêu thụ bên ngoài khá ổn định, còn một số mặt hàng nông sản khác còn lại sản lượng không nhiều và chưa vào chính vụ.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.