23/11/2022 16:13
Hạ tầng về giao thông nội vùng ở cù lao Tân Qui đã được kết nối liên hoàn, tạo thuận lợi khi khách đến tham quan.
Trong năm 2022, Cầu Kè đã có sự trở bộ khá tích cực trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đến với các chuỗi sự kiện mang tính liên kết sâu và rộng từ các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh… Cùng với đó, các chính sách đầu tư, hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển du lịch đã được triển khai đến với người dân tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch như cù lao Tân Qui (xã An Phú Tân), cồn An Lộc (xã Hòa Tân). Hiện nay, người dân tại các điểm du lịch ở Cầu Kè đã có sự đầu tư, chuẩn bị về mùa du lịch đón Tết.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Lê Vinh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cầu Kè cho biết, trong phát triển du lịch, ngành văn hóa huyện đã phối hợp với tỉnh trong tập huấn “kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp du lịch”; triển khai Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND, ngày 10/6/2022 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2022 - 2025 riêng huyện Cầu Kè đã có 08 chủ thể tham gia đăng ký để hỗ trợ theo Nghị quyết trên.
Ngoài ra, huyện cũng đang phối hợp với các đơn vị của tỉnh trong việc khảo sát 02 di tích cấp tỉnh (Chùa Salavana - chùa Tà Ốt, xã Châu Điền); Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ, xã Tam Ngãi) đưa vào danh mục sửa chữa, trùng tu và lập hồ sơ khoa học Lễ hội “Vu Lan thắng hội” của dân tộc Hoa đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Đối với cù lao Tân Qui (gồm ấp Tân Qui 1 và Tân Qui 2, xã An Phú Tân) là vùng chuyên canh cây ăn trái, với tổng diện tích vườn hơn 800ha. Đến nay, hạ tầng về giao thông ở đây đã kết nối thông tuyến nội vùng trong cù lao và tạo thuận lợi cho khách về tham quan du lịch ở Tân Qui. Những năm qua việc phát triển du lịch còn mang tính rời gạt, thiếu liên kết và chưa có tính cộng đồng cao… Từ đó, việc quảng bá về hình ảnh cù lao Tân Qui trong phát triển du lịch chưa được chú trọng, chưa tạo được dấu ấn cho khách du lịch khi đến đây.
Để thúc đẩy và hình thành chuỗi phát triển du lịch mang tính cộng đồng cao, cùng với sự vào cuộc của người dân trong tham gia phát triển loại hình du lịch sinh thái vườn.
Đồng chí Phạm Thảo Khuyên, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Tân cho biết, địa phương có thế mạnh về du lịch sinh thái vườn cây ăn trái; thời gian qua việc phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Năm 2022, địa phương đã tiếp nhận khoảng 10.000 lượt khách đến tham quan và du lịch ở Tân Qui. Hiện nay, các hộ làm du lịch còn mang tính gia đình, nguồn nhân lực chưa qua đào tạo; chưa có sự liên kết tour trong kết nối với các doanh nghiệp du lịch ngoài tỉnh... Từ đó việc phát triển du lịch ở An Phú Tân chưa tạo được điểm nhấn cho khách du lịch. Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, địa phương đã được tỉnh, huyện hỗ trợ đào tạo, tập huấn các kỹ năng trong xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng; đồng thời đã triển khai các nguồn vốn hỗ trợ cho 08 hộ có nhu cầu phát triển lĩnh vực du lịch ở cù lao Tân Qui.
Bà Trương Thị Đúa, ấp Tân Qui 1, xã An Phú Tân là một trong 07 hộ được hỗ trợ từ nguồn vốn của Hội Nông dân tỉnh thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển, khôi phục vườn cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái vườn.
Bà Đúa chia sẻ: gia đình có gần 0,7ha vườn cây ăn trái, trong đó có 0,3ha trồng cây chôm chôm. Do ảnh hưởng mặn xâm nhập (năm 2016 - 2017), nên một số diện tích chôm chôm bị chết, nay được hỗ trợ nguồn vốn vay 70 triệu đồng; số tiền trên được gia đình đầu tư chăm sóc, khôi phục, trồng mới thêm 70 gốc cây chôm chôm.
Bên cạnh đó, kết hợp với nguồn vốn của gia đình khoảng 150 triệu đồng để xây dựng 01 gian hàng trưng bày và bán các loại trái cây kết hợp làm điểm dừng chân cho khách nghỉ khi ghé vào tham quan vườn. Các hoạt động đã được triển khai và dự kiến khoảng giữa tháng 12/2022 là đưa vào hoạt động.
Cùng với cù lao Tân Qui, hiện tại điểm cồn Bần Chát (ấp An Lộc, xã Hòa Tân) cũng khá sôi động với các hoạt động chuẩn bị cho mùa đón khách du lịch dịp Tết. Tại đây, điểm du lịch sinh thái vườn nhãn tím của gia đình ông Tạ Trung Thành (khoảng 01ha, với 1.000 gốc nhãn) đã đi vào hoạt động khoảng 02 năm nay. Trước dịch Covid-19, trung bình mỗi tháng vườn nhãn của ông đón vài trăm lượt khách đến tham quan.
Bên cạnh đó, điểm du lịch của gia đình còn kết nối với một số doanh nghiệp du lịch trong tỉnh để xây dựng tour tham quan cồn và nhiều địa điểm trong và ngoài tỉnh Trà Vinh. Ông Tạ Trung Thành cho hay, vừa qua, gia đình được hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du khách từ chính sách phát triển du lịch của tỉnh Trà Vinh.
Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân khai thác, phát huy hiệu quả của vùng đất trù phú, giàu tiềm năng ở cù lao Tân Qui trong phát triển du lịch sinh thái. Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh đã triển khai xây dựng mô hình Chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch ở của lao Tân Qui.
Theo đồng chí Ngô Henl, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: chi hội có 36 thành viên ở 02 ấp Tân Qui 1 và Tân Qui 2; trong này có 07 thành viên có nhu cầu vay vốn và được hỗ trợ nguồn vốn 70 triệu đồng/hộ. Hoạt động của chi hội vừa tập trung vào việc khôi phục, phát triển vườn cây ăn trái theo hướng hữu cơ sinh học để phục vụ khách du lịch. Trong này, Hội sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh tập huấn cho các thành viên về “kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp du lịch”…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.