24/12/2020 17:29
Để gia tăng giá trị kinh tế trong nuôi thủy sản, từ năm 2017 nông dân huyện Cầu Ngang đã từng bước đa dạng đối tượng nuôi, đặc biệt là đối tượng tôm càng xanh toàn đực, cua biển, lươn không bùn… bước đầu mang lại hiệu quả khá cao và điều kiện phát triển của các đối tượng nuôi theo hướng chuyên canh được nông dân tận dụng trên các ao nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng không còn hiệu quả.
Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể ở xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, trong mùa vụ thả nuôi thủy sản năm 2020, bên cạnh đối tượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng (có 9.457 hộ thả nuôi trên diện tích hơn 4.150ha mặt nước, với 2,428 tỷ con tôm giống). Đến nay, huyện Cầu Ngang có 293 hộ thả nuôi tôm càng xanh, với 8,81 triệu con giống trên diện tích 124ha; 481 hộ thả nuôi cua biển, với 2,289 triệu con giống trên diện tích 165,8ha; 36 hộ nuôi cá kèo với 12,9 triệu con giống, diện tích 12,5ha và có 19 hộ tham gia mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi-măng, với số lượng giống 19.920 con, trên diện tích 300m2...
Kỹ sư Đỗ Quốc Phong, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cầu Ngang cho biết: việc nông dân đa dạng đối tượng thủy sản để tận dụng các diện tích ao tôm không còn hiệu quả, hiện cho hiệu quả kinh tế rất cao. Đặc biệt, đối tượng nuôi tôm càng xanh toàn đực, đối với các vùng nước lợ như Vinh Kim, Thạnh Hòa Sơn, Hiệp Hòa, Hiệp Mỹ Đông… phát triển mạnh. Sau 08-09 tháng nuôi, hiệu quả kinh tế mang lại khoảng 35-40 triệu đồng/1.000m2 mặt nước (nuôi khoảng 10.000 con tôm càng xanh giống).
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế hộ gắn với nghề nuôi thủy sản; ngành nông nghiệp huyện Cầu Ngang đã xây dựng nhiều mô hình đa dạng về đối tượng con nuôi trong thủy sản tại các xã có đông đồng bào Khmer, phù hợp với điều kiện sinh sống của hộ. Điển hình là mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng và khảo nghiệm vèo lưới trong ao, đã đầu tư cho 19 hộ tham gia nuôi với 19.920 con lươn giống, trên diện tích 300m2. Tại xã Kim Hòa, mô hình nuôi lươn đầu tư cho 09 hộ của 02 ấp Kim Hòa và Giữa, mỗi hộ được đầu tư 960 con lươn giống và chi phí thức ăn + hỗ trợ kỹ thuật cho hộ nuôi.
Ghi nhận về mô hình nuôi lươn không bùn của hộ ông Thạch Ba Xâm Bua, ở ấp Giữa, xã Kim Hòa. Sau khi được mô hình đầu tư cho 960 con lươn giống (tương đương 02kg lươn giống) nuôi trong bể xi-măng (diện tích khoảng 09m2), sau 03 tháng nuôi lươn phát triển rất tốt (đạt trọng lượng 100 con/kg). Ông Thạch Ba Xâm Bua phấn khởi cho biết: nuôi lươn ít công chăm sóc, phù hợp với gia đình có ít đất sản xuất. Hiện nay, gia đình đã nhân rộng thêm 01 bể nuôi với 1.200 con lươn giống. Bản thân cũng đã vận động cho 05 hộ trong thân tộc và hàng xóm về mô hình nuôi lươn này. Chi phí đầu tư các bể nuôi và máy bơm nước, máy chạy ô-xy… khoảng 08-10 triệu đồng là có 02 bể nuôi, tổng diện tích khoảng 20m2.
Nói về hiệu quả của mô hình nuôi lươn không bùn, ông Huỳnh Quang Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hòa cho biết: các hộ được đầu tư phần lớn là đồng bào Khmer, nuôi lươn không bùn có ưu điểm là phù hợp với hộ ít đất sản xuất (1.000 con lươn giống/08-10m2); bể nuôi có thể tận dụng lại các khu chuồng nuôi heo hay lót vải bạt. Thời gian nuôi kéo dài khoảng 08-09 tháng là thu hoạch, hiện giá lươn thương phẩm trên thị trường khá cao.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.