01/03/2021 05:45
Vuông tôm của ông Nguyễn Văn Sáu, ấp Năm, xã Mỹ Long Nam.
Với lợi thế là huyện ven biển, cơ cấu sản xuất đa dạng, phong phú, ngoài cây lúa, cây màu và chăn nuôi, huyện Cầu Ngang có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền phát động Nhân dân, bố trí các loại cây, con phù hợp với từng vùng sản xuất, nhất là đối với những vùng trọng điểm, vùng mới chuyển đổi sản xuất.
Nông dân Nguyễn Văn Sáu, ấp Năm, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang cho biết: từ khi thực hiện chuyển đổi từ nuôi tôm bán thâm canh sang nuôi thâm canh, năng suất và lợi nhuận tôm tăng lên đáng kể. Riêng vụ nuôi năm 2020, ông thả nuôi 200.000 con tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên 0,8ha mặt nước, sản lượng thu hoạch đạt 04 tấn. Tuy sản lượng đạt nhưng giá bán tôm thấp do thu hoạch vào thời điểm đông ken, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên giảm lợi nhuận. Cụ thể, loại tôm sú 20 con/kg giá 250.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng 60 con/kg giá 100.000 đồng/kg, lợi nhuận 180 triệu đồng. Vụ nuôi năm 2021, ông Sáu tiếp tục thả nuôi 150.000 con tôm thẻ chân trắng và 60.000 con tôm sú, hiện đang phát triển tốt và hy vọng vụ mùa tôm mới bội thu.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 69.475.6 tấn, đạt 101,1% kế hoạch, tăng 3.726,5 tấn so với cùng kỳ, trong đó thả nuôi tôm sú với diện tích mặt nước 2.713ha, sản lượng 8.235 tấn, năng suất bình quân 2,96 tấn/ha; tôm thẻ chân trắng với diện tích mặt nước 4.057ha, sản lượng 22.970 tấn, năng suất bình quân 5,43 tấn/ha. Riêng sản lượng khai thác biển 28.092 tấn, khai thác nội đồng và nuôi nhữ tự nhiên 7.015 tấn.
Bên cạnh hình thức nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh truyền thống, mô hình nuôi tôm thâm canh mật độ cao thời gian qua đã mở rộng, tăng về diện tích thả nuôi và sản lượng; các mô hình nuôi cua, cá luân canh hoặc kết hợp với nuôi tôm phát triển. Tuy nhiên, quy mô nuôi thủy sản đa số còn nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong nuôi thủy sản còn hạn chế; phần lớn sản phẩm chưa được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; chưa gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; đầu tư của doanh nghiệp vào nuôi và chế biến thủy sản còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước về nuôi thủy sản chưa chặt chẽ; ô nhiễm môi trường trong nuôi thủy sản còn xảy ra. Vì vậy, việc lãnh đạo thực hiện phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn huyện trong thời gian tới rất quan trọng và cần thiết.
Theo bà Trần Thị Kim Chung, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, để thực hiện đạt mục tiêu nghị quyết đề ra từ nay đến năm 2025, huyện tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch lĩnh vực thủy sản; quy hoạch vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung và phát triển các vùng nuôi thâm canh và siêu thâm canh ở những vùng có đủ điều kiện sản xuất. Phổ biến rộng rãi quy hoạch đến các ngành, các cấp có liên quan và người dân để quản lý, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của ngành nuôi thủy sản. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, đánh giá kết quả thực hiện đối với các quy hoạch có liên quan đến phát triển nuôi thủy sản. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư liên kết sản xuất con giống chất lượng cao. Tăng cường quản lý kiểm soát chặt chẽ tôm giống trên thị trường. Tăng cường quản lý kiểm tra điều kiện nuôi tôm, nhất là ở các vùng nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh tập trung, kiểm tra, thống kê, phân loại các cơ sở nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, vật tư; giám sát chất lượng theo quy định. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển vùng nuôi tôm trọng điểm ở khu vực cánh đồng Trà Côn, đồng Năng, Tầm Vu, cánh đồng Tây. Phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ đạt 9.150ha; trong đó, nuôi tôm 8.550ha, nuôi nghêu, sò 120ha, tôm càng xanh 330ha, cá các loại 150ha. Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh (trên ao lót bạt, trong bể tròn) đạt 10% trên tổng diện tích nuôi tôm nước lợ. Diện tích nuôi thủy sản áp dụng theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP,…) từ 20% trở lên. Sản lượng nuôi trồng thủy sản nước lợ đạt 39.500 tấn; trong đó, tôm sú 8.000 tấn, tôm thẻ 27.000 tấn, cá 3.000 tấn, nghêu, sò, tôm càng xanh, cua và thủy sản khác 1.500 tấn.
Quan trọng là trong thực hiện quy hoạch vùng thủy sản cần tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi tôm, đặc biệt đối với các vùng nuôi chủ lực theo hướng tạo mối liên kết chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, nhất là phát triển các mô hình hợp tác, liên kết các hộ nuôi, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian. Xây dựng các vùng nuôi tôm đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu các sản phẩm tôm, sản phẩm chỉ dẫn địa lý có uy tín, đáp ứng thị hiếu và lòng tin của người tiêu dùng.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong nuôi thủy sản như: có chính sách khuyến khích áp dụng khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm tôm. Chú trọng công nghệ mới trong quản lý phòng, trị bệnh trên tôm; công nghệ xử lý chất thải, xử lý nước phục vụ nuôi tôm. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao nhận thức, năng lực cho cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường, thực hiện các quy định, hướng dẫn của cấp trên về bảo vệ môi trường. Đào tạo, phát triển nâng cao năng lực, trình độ nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành thủy sản. Song song đó, huyện hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng phục vụ nuôi và chế biến thủy sản như điện, thủy lợi và đường giao thông tại các vùng nuôi trọng điểm. Từng bước mở rộng đầu tư ra các vùng lân cận khi đủ điều kiện phát triển. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến sản phẩm tôm trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.