06/02/2023 05:32
Đồng chí Nguyễn Văn Ngà (phải), Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang và lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thăm đồng, kiểm tra tình hình sản xuất tại vùng chuyên canh màu xã Mỹ Long Bắc vào sáng ngày 31/01/2023 (mùng 10 tháng Giêng).
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Ngà, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cho biết: năm 2023, nhu cầu về tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện khoảng 200 tỷ đồng. Để thực hiện quy mô kinh tế và phấn đấu năm 2023 đạt 22.092 tỷ đồng (tăng 2.455 tỷ đồng so năm 2022), theo đó, huyện cần tập trung đầu tư hạ tầng hoàn thành và đưa vào hoạt động Khu Công nghiệp Hiệp Mỹ Tây. Cùng với đó, triển khai đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng như thủy lợi, giao thông và tuyến Tỉnh lộ 915B… nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng chuyên canh, tập trung…
Với thế mạnh về nuôi thủy sản và sản xuất nông nghiệp (lúa - màu), hàng năm đạt diện tích trên 28.434ha gieo trồng lúa, và 18.500ha màu các loại; về thủy sản có 2.663ha diện tích mặt nước nuôi tôm sú, 4.396,5ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng (sản lượng đạt 33.750 tấn tôm sú và tôm thẻ chân trắng)…
Tại vùng trồng màu xã Mỹ Long Bắc được địa phương quy hoạch vùng chuyên canh màu (dưa hấu, đậu phộng…) ngay từ đầu năm 2023, nông dân khẩn trương chăm sóc vụ màu đông - xuân. Trong 500ha màu vụ đông - xuân, riêng vụ dưa hấu diện tích được nông dân xuống giống gần 210ha. Với giá bán hiện nay được thương lái đặt cọc tại rẫy dao động từ 8.000 - 8.500 đồng/kg, người trồng dưa lời trên 80 triệu đồng/ha.
Nông dân Nguyễn Văn Ơn, ấp Hạnh Mỹ, xã Mỹ Long Bắc phấn khởi chia sẻ: gia đình có 0,45ha diện tích trồng dưa hấu sẽ thu hoạch khoảng ngày 10/02/2023, năng suất ước đạt 20 tấn/ha; lợi nhuận trên 200 triệu đồng/0,45ha. Điều kiện sản xuất ở đây cũng được huyện, xã quan tâm đầu tư như hạ thế điện, nạo vét kênh nội đồng… vì vậy, sản xuất của nông dân trong khu vực này tương đối khép kín. Các hộ trồng màu mong muốn có tuyến đường đal nội đồng để thuận lợi thăm đồng và vận chuyển nông sản.
Năm 2023, Cầu Ngang tập trung phấn đấu huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5.787 tỷ đồng. Giá trị sản xuất tăng bình quân 12,5% trở lên so năm 2022. Trong này, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 6.616 tỷ đồng (năm 2022 thực hiện 6.535 tỷ đồng), chủ yếu lĩnh vực thủy sản 4.221 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp 2.821 tỷ đồng... Hộ nghèo toàn huyện giảm 334 hộ, tạo việc làm mới cho 2.950 lao động và nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 73,86 triệu đồng/năm (năm 2022 đạt 64,24 triệu đồng/người/năm).
|
Đồng chí Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết: trên cơ sở thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế của huyện. Đơn vị sẽ phối hợp cùng với các địa phương, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xác định vùng chuyên canh tập trung ở các xã có điều kiện, đảm bảo nguồn nước tưới, trên cơ sở đó mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ ở vùng sản xuất lúa - tôm như Vinh Kim, Kim Hòa…, sản xuất lúa giống, lúa sạch an toàn trên vùng chuyên lúa.
Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo nhiều hình thức, đa dạng các đối tượng nuôi nước mặn, lợ, ngọt có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá lóc, nghêu,…); khuyến khích nuôi thủy sản theo phương thức công nghiệp, nuôi thâm canh mật độ cao trên ao lót bạt ứng dụng công nghệ cao, quy trình nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.