06/11/2024 07:31
Anh Thạch Hane, ở ấp Bà My, xã Hòa Ân là một trong những hội viên nông dân ở địa phương mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp sang trồng hẹ. Kể về quá trình trồng hẹ anh Hane cho biết: qua nghiên cứu thấy cây hẹ phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện kinh tế gia đình, năm 2023 anh đã chuyển đổi 1,3 công vườn tạp của gia đình sang trồng hẹ, sau hơn 02 tháng trồng, lứa hẹ đầu tiên đã cho hoạch được hơn 1,3 tấn, với giá bán 16.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất còn lợi nhuận hơn 12 triệu đồng.
Anh Thạch Hane, ở ấp Bà My, xã Hòa Ân (người đứng giữa) trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây hẹ với lãnh đạo Hội Nông dân huyện Cầu Kè.
Thấy trồng hẹ có hiệu quả kinh tế, anh Hane quyết định mướn thêm 1,2ha diện tích vườn của bà con xung quanh để mở rộng trồng hẹ. Hiện nay, với tổng diện tích hơn 1,3ha trồng hẹ, anh Hane chăm sóc cho thu hoạch theo hình thức xoay vòng liên tục, bình quân mỗi ngày thu hoạch từ 150 - 200kg hẹ để bán cho thương lái, với giá hiện tại 14.000 đồng/kg. Bình quân mỗi tháng anh Hane thu hoạch trên 05 tấn hẹ, sau khi trừ chi phí sản xuất anh còn lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng. Do diện tích trồng hẹ khá lớn nên hiện tại anh Hane đã thuê 10 lao động ở địa phương phụ các công đoạn chăm sóc, làm cỏ, thu hoạch hẹ, mỗi lao động được anh trả tiền công 180.000 đồng/ngày.
Nói về hiệu quả kinh tế từ việc trồng hẹ mang lại, anh Hane cho biết: trước đây tôi trồng hẹ hơn một công, sau này thấy trồng hẹ cho hiệu quả kinh tế cao hơn lúa, nên tôi mướn thêm đất của bà con ở địa phương để mở rộng sản xuất, đến nay tổng diện tích hơn 1,3ha để nhân rộng trồng cây hẹ, kỹ thuật chăm sóc cũng tương đối dễ chủ yếu là sử dụng phân hữu cơ để cây hẹ phát triển xanh, tốt và hạn chế sâu bệnh, được thương lái thu mua giá cả ổn định, giờ cuộc sống gia đình ổn định hơn trước nhiều”.
Anh Kim Hoành Thươne, ở ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân là một trong những hội viên nông dân có thu nhập kinh tế ổn định từ trồng hẹ. Anh Thươne cho biết, thấy mô hình trồng hẹ ở địa phương cho hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa, nên đầu năm 2024 anh đã chuyển 1,5 công đất ruộng của gia đình sang trồng hẹ, qua 02 tháng trồng lứa hẹ đầu tiên đã cho hoạch được hơn 01 tấn và bán cho thương lái với giá 13.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất anh còn lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/tháng. Sau lứa hẹ đầu tiên thu hoạch, từ đó đến nay cứ mỗi tháng anh thu hoạch 01 đợt trên dưới 1,3 tấn, cho thu nhập 15 triệu đồng, từ nguồn thu này đã giúp cho gia đình anh ổn định hơn.
“Tôi thấy mô hình trồng hẹ ở địa phương có thu nhập ổn định cho gia đình, nên tôi đã chuyển 1,5 công đất ruộng sang trồng hẹ, qua 02 tháng trồng thì bắt đầu cho thu hoạch được hơn 01 tấn, sau đó mỗi tháng thu hoạch lần, khâu chăm sóc cũng dễ sau khi thu hoạch thì bón phân hữu cơ, làm cỏ để cây hẹ phát triển tốt, thấy mô hình trồng hẹ cho hiệu quả cao gấp 4 lần so trồng lúa”- anh Thươne chia sẻ.
Từ hiệu quả của mô hình trồng hẹ mang lại, tháng 8/2024, Hội Nông dân huyện Cầu Kè đã vận động thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng hẹ ở xã Hòa Ân, có 19 thành viên là những hội viên nông dân có diện tích trồng hẹ ở địa phương tham gia, với tổng diện tích 5,7ha. Từ khi thành lập đến nay, các thành viên trong Chi hội đã được tập huấn, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, năng suất được nâng lên, đầu ra sản phẩm ổn định. Bình quân, hiện tại mỗi tháng các thành viên của Chi hội nghề nghiệp trồng hẹ ở xã Hòa Ân thu hoạch bán ra thị trường khoảng 42 tấn hẹ, thu về trên 470 triệu đồng, từ nguồn thu ổn định này đã giúp cho các thành viên trong Chi hội có cuộc sống khám khá hơn.
Đánh giá hiệu quả mô hình trồng hẹ của Chi hội nghề nghiệp trồng hẹ ở xã Hòa Ân, đồng chí Huỳnh Văn Nguyện, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Kè cho biết: qua khảo sát thực tế thấy mô hình của Chi hội nghề nghiệp trồng hẹ ở xã Hòa Ân đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhờ việc chuyển đổi sang trồng hẹ mà đến nay các thành viên trong Chi hội đều có cuộc sống khá ổn định, so với trồng lúa lợi nhuận cao gấp 04 lần.
Hướng tới, huyện Hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sơ Hội vận động hội viên nông dân sẽ thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp để hội viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất cũng như liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây trồng kém hiệu quả, vườn già cỗi chuyển sang trồng rau màu, phối hợp với các ngành có liên quan để mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp hội viên nông dân trên địa bàn huyện Cầu Kè nắm vững quy trình kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi để áp dụng vào trong sản xuất, góp phần đạt hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân”.
Mô hình trồng hẹ của Chi hội nghề nghiệp trồng hẹ, ở xã Hòa Ân mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đã giúp nhiều gia đình vươn lên khá giả, có cuộc sống ổn định hơn, góp phần cùng địa phương giữ vững tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới và tiếp tục nâng cao trong thời gian tới.
Bài, ảnh: THÂN NI
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.