14/08/2023 12:40
Công ty TNHH Trà Vinh FARM kiểm tra chất lượng mật hoa dừa (sản phẩm đạt OCOP 5 sao) trước khi đưa ra thị trường.
Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa
Trong số 19 sản phẩm cả nước thuộc nhóm thực phẩm đạt hạng OCOP 5 sao mới đây do Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương năm 2023 công nhận, tỉnh Trà Vinh có đến 03 sản phẩm và cả 03 sản phẩm này đều được khai thác từ dừa, gồm: "Mật hoa dừa", "Đường hoa dừa" của Công ty TNHH Trà Vinh FARM, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần; "Dừa sáp sợi - VICOSAP" của Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè.
Tỉnh Trà Vinh có diện tích trồng dừa đứng thứ 02 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre. Tỉnh xác định đây là cây trồng chủ lực. Hiện toàn tỉnh trồng trên 26.000ha dừa với gần 7 triệu cây; trong đó diện tích cho trái gần 22.000ha, năng suất bình quân 16,8 tấn/ha, sản lượng trên 370.000 tấn, tương đương 444 triệu trái/năm; tập trung nhiều nhất ở huyện Càng Long, Tiểu Cần và Cầu Kè. Đặc biệt, tỉnh Trà Vinh được xem là thủ phủ dừa sáp bởi có diện tích trồng dừa sáp lớn nhất cả nước, với gần 800 ha chủ yếu ở huyện Cầu Kè.
Bà Lâm Ngọc Tú, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến Dừa sáp Cầu Kè cho biết, với mong muốn ngày càng có nhiều người được thưởng thức đặc sản quê hương mình, bởi hương vị thơm béo rất riêng, nên sau thời gian dài ấp ủ, tháng 7/2020, bà Tú cùng chồng quyết định thành lập Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè, lấy tên thương hiệu là Vicosap. Đây cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện nay chế biến đa dạng và chuyên sâu các sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu dừa sáp.
Sau 03 năm thành lập, đến nay, Vicosap đã ra mắt thị trường 07 dòng sản phẩm chính gồm: dừa sáp trái hút chân không; kẹo dừa sáp 03 vị (nguyên chất, ca cao và lá dứa); dừa sáp sợi; dừa sáp sấy khô giòn tan; sữa chua dừa sáp sấy khô giòn tan; bánh dinh dưỡng dừa sáp 03 vị (chuối, khoai lang, bí đỏ) và sữa chua uống dừa sáp.
Bà Tú chia sẻ, những ngày đầu ra mắt sản phẩm, Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc quảng bá thị trường, xúc tiến thương mại, tiếp cận người tiêu dùng do sản phẩm quá mới lạ trên thị trường. Tia sáng đầu tiên đến với Vicosap khi năm 2021 tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm với 05 sản phẩm và cả 05 đều đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2022, đơn vị tiếp tục tham gia xét phân hạng thêm 3 sản phẩm và cũng đã đạt OCOP 4 sao. Điều đáng phấn khởi, tháng 5 vừa qua, sản phẩm "Dừa sáp sợi" của Vicosap được Trung ương công nhận đạt hạng OCOP cấp quốc gia (5 sao).
Theo bà Tú, sau khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, việc quảng bá thị trường, xúc tiến thương mại rất thuận lợi. Hiện sản phẩm của Vicosap đã được nhiều người biết và tin dùng, làm quà biếu… Không chỉ có mặt tại hệ thống siêu thị, các sản phẩm của Vicosap cũng bày bán ở các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Đã Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc. Đồng thời, sản phẩm cũng được ngành chức năng tỉnh Trà Vinh hỗ trợ kết nối, đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, sản phẩm của Vicosap đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Anh Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả và bền vững
Hơn 04 năm thực hiện, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tất các các chủ thể sau khi đạt sản phẩm OCOP đều tăng bình quân từ 10 - 30% về sản lượng và doanh thu; thị trường tiêu thụ được mở rộng, sản phẩm được lên sàn thương mại điện tử, tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần cho biết, trong số 03 sản phẩm OCOP đạt 5 sao mới đây, địa phương có 02 sản phẩm được chế biến từ dừa của Công ty TNHH Trà Vinh FARM, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Hiện Tiểu Cần có 16 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 - 5 sao. Từ góc nhìn địa phương, để phát triển Chương trình này hiệu quả và bền vững, điều kiện đầu tiên là sản phẩm đảm bảo gắn liền với đặc trưng địa phương. Huyện đang huy động nhiều nguồn lực để khai thác tiềm năng, lợi thế trên địa bàn; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất… có sản phẩm đặc trưng tham gia Chương trình.
Ngành chuyên môn địa phương cũng tích cực hỗ trợ các chủ thể tiếp cận các chính sách của Chương trình, hỗ trợ thủ tục hồ sơ, quảng bá, tiếp thị sản phẩm… Huyện Tiểu Cần phấn đấu năm 2023 có thêm 08 sản phẩm OCOP do UBND tỉnh công nhận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng sản phẩm OCOP, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và phát triển thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh cho biết, Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Qua đó khơi dậy tiềm năng, lợi thế ở khu vực nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn bền vững…
Toàn tỉnh hiện có 184 sản phẩm OCOP của 118 chủ thể; trong đó, 137 sản phẩm đạt 3 sao, 38 sản phẩm đạt 4 sao, 3 sản phẩm 5 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Giai đoạn 2019-2022, tỉnh Trà Vinh đã giải ngân trên 11,5 tỷ đồng để hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay, trên địa bàn có 6 cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP.
Để sản phẩm OCOP phát triển hiệu quả và bền vững, đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện yêu cầu ngành chức năng tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài nước; nhất là công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội nghị, hội chợ, lễ hội, điểm du lịch, làm quà tặng… nhằm kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời khuyến khích các cơ quan, đơn vị, người dân trong tỉnh sử dụng sản phẩm OCOP làm quà tặng với khẩu hiệu "Người Trà Vinh ưu tiên sử dụng sản phẩm OCOP tỉnh Trà Vinh", góp phần tăng thu nhập cho người dân trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình về kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm và xây dựng câu chuyện sản phẩm; hỗ trợ chi phí thuê hoặc xây dựng mới cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP; hỗ trợ mua máy móc và trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn thực phẩm, hình thành các sản phẩm OCOP chủ lực, đặc trưng, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và phát triển thương mại điện tử tỉnh; hướng dẫn, phổ biến các thủ tục, in ấn sổ tay, tờ bướm về hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc,… phát hành đến UBND cấp huyện, cấp xã để hướng dẫn, triển khai thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.
Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, mỗi năm có thêm ít nhất 50 sản phẩm đạt OCOP; tất cả các sản phẩm OCOP đều được tham gia xúc tiến thương mại, tham gia sàn thương mại điện tử, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.