16/03/2023 10:45
Ông La Quốc Yên (phải), Giám đốc HTX nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng, ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành với sản phẩm OCOP gạo hữu cơ của HTX đang được thị trường ưa chuộng.
Năm 2022, nổi bật ở nhóm mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị tập trung hướng về cơ sở, vận động Nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, động viên, phát huy vai trò chủ thể của các tầng lớp Nhân dân trong thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Năm 2022, các mô hình “Dân vận khéo” vận động Nhân dân phát triển kinh tế, trong sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, liên kết, trao đổi, hỗ trợ, dạy nghề, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Quy hoạch vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, xây dựng cánh đồng lớn, giúp Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng sản phẩm OCOP, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa… làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy và cách làm, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Một số mô hình tiêu biểu trên lĩnh vực phát triển kinh tế, như: “Vận động Nhân dân mở rộng mô hình lúa hữu cơ sinh học 20ha” của Chi bộ ấp Cồn Phụng, xã Long Hòa; mô hình “Vận động Nhân dân nuôi 01 vụ thủy sản quảng canh, làm 01 vụ lúa hữu cơ sinh học” của Chi bộ ấp Đại Thôn A, xã Hòa Minh; mô hình đan đát góp phần giải quyết việc làm cho 500 lao động nhàn rỗi của hội viên phụ nữ ấp Nhà Dựa, xã Thanh Mỹ; mô hình “Nông trại rau sạch công nghệ cao - Green Farm Trà Vinh”, Khóm 1, thị trấn Châu Thành…
Đồng thời, nhân rộng mô hình “Giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn” của hội viên phụ nữ ấp Rạch Vồn, xã Hưng Mỹ đã tạo việc làm cho 1.200 lao động; mô hình “Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh VietGAP” ấp Ô Chích, xã Lương Hòa đã được nhân rộng ở các xã trong huyện; mô hình “Chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn trái” của Chi hội Cựu chiến binh ấp Rạch Giữa, xã Hưng Mỹ, với diện tích 1,2ha (trồng bưởi da xanh và dừa sáp)…
Đến xã Hưng Mỹ, thăm mô hình sản xuất chất lượng cao theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng của Hội Nông dân xã Hưng Mỹ. Đồng chí Phùng Thanh Nhân, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, xã Hưng Mỹ là địa phương chuyên canh sản xuất lúa, việc phát triển HTX là điều kiện để nông dân phát triển sản xuất cây lúa theo hướng phát triển bền vững, tăng thu nhập.
Qua công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp hội viên trên địa bàn có nhu cầu tham gia sản xuất lúa hữu cơ, tháng 11/2020, HTX nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng được thành lập, đi vào hoạt động với diện tích sản xuất lúa hữu cơ tập trung chủ yếu ở ấp Ngãi Lợi.
Ông La Quốc Yên, Giám đốc HTX nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng chia sẻ: “lúc đầu, có 70 hộ tham gia mô hình và thành lập 02 tổ trồng lúa hữu cơ. Từ những thuận lợi ban đầu cùng với được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các ngành chuyên môn, đến nay, diện tích sản xuất lúa hữu cơ của HTX được nâng lên 260ha, có 225 hộ tham gia, phát triển được 04 tổ sản xuất, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động. Người dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ được HTX bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, kỹ thuật, giống”.
Năm 2021, HTX có tổng doanh thu 10,3 tỷ đồng, lợi nhuận 600 triệu đồng. Năm 2022, lợi nhuận 700 triệu đồng. Ông Yên cho biết thêm, “năm 2023, ước doanh thu đạt 13 tỷ đồng, lợi nhuận từ 750 - 800 triệu đồng”. Từ những cách làm sáng tạo, đến nay, mô hình sản xuất lúa hữu cơ của HTX đã được nhân rộng ra các ấp và xã lân cận trong huyện, nhận được sự đánh giá cao của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân.
Nông dân Trương Ngọc Thanh, 52 tuổi, ấp Ngãi Lợi là một trong những hộ đầu tiên tham gia sản xuất lúa hữu cơ của HTX, với 01ha. Ông phấn khởi nói: “mô hình sản xuất lúa hữu cơ có nhiều ưu điểm so với sản xuất lúa ngoài mô hình, như: lợi nhuận cao hơn, nông dân ít tiếp xúc các loại hóa chất độc hại trong quá trình tham gia sản xuất, bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản và sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, giá sản phẩm đầu ra ổn định, tránh tình trạng bị thương lái ép giá…” .
Hiện, mô hình thu hút nông dân trong và ngoài địa phương tham gia ngày càng nhiều, giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định, ít chịu biến động về giá cả thị trường, sản xuất giống lúa chất lượng cao, đạt chuẩn OCOP, luôn có lợi nhuận và lợi nhuân cao hơn so với nông dân sản xuất lúa ngoài mô hình. Đây là điểm nổi bật của của mô hình “Dân vận khéo” xã Hưng Mỹ nói riêng và huyện Châu Thành nói chung và đang được nhân rộng.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.