04/12/2023 14:17
Qua 01 năm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiện huyện Châu Thành còn 622 hộ nghèo, chiếm 1,54% (hộ nghèo dân tộc Khmer 280 hộ, chiếm 2,12%/tổng số hộ Khmer); 1.181 hộ cận nghèo, chiếm 2,93%.
Đây là kết quả đáng trân trọng của cả hệ thống chính trị, nhất là công tác giảm nghèo bền vững. Trước, trong và sau khi huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020 (theo Quyết định số 310/QĐ-TTg, ngày 04/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020); với phương châm: XDNTM là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không điểm cuối, nên năm 2023, huyện đã tập trung giảm nghèo hiệu quả.
Anh Nguyễn Văn Ngọt, chăm sóc hoa vạn thọ.
Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025”, huyện Châu Thành có 10/14 xã, thị trấn thuộc diện này, gồm các xã: Mỹ Chánh, Đa Lộc, Song Lộc, Lương Hòa, Lương Hòa A, Nguyệt Hóa, Hòa Thuận, Hòa Lợi và Phước Hảo và thị trấn Châu Thành.
Năm 2023, để giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, huyện đã tập trung triển khai đồng loạt các giải pháp; trong đó, tập trung về cơ sở, vùng sâu, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer (huyện Châu Thành có 40.326 hộ, với khoảng 150.000 nhân khẩu; dân tộc Khmer chiếm hơn 33%; cá biệt, có một số xã, dân tộc Khmer chiếm hơn 60%).
Xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, được sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện và Nghị quyết của Đảng bộ huyện gắn với xây dựng huyện NTM nâng cao, nên các đơn vị liên quan, cùng với các địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo.
Theo đồng chí Lữ Khắc Hồi, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã tổ chức 09 lớp đào tạo nghề cho lao động, có 355 học viên, đạt 128,5% kế hoạch (kế hoạch 07 lớp); phối hợp tư vấn giới thiệu việc làm và giải quyết việc làm mới cho 4.102 lao động, đạt 102,94% kế hoạch. Trong đó, có 170 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, đạt 141,6% chỉ tiêu. Nhờ đó, Châu Thành hiện có 88.150/89.652 người trong độ tuổi có việc làm, chiếm 98,32%. Trong đó, lao động có việc làm qua đào tạo 66.369 người, chiếm 74,03%, đạt 102,11% so với chỉ tiêu; lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ 31.214 người, đạt 34,86%, đạt 102,20% so với chỉ tiêu.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo cho lao động đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, huyện Châu Thành đã thực hiện nghiêm nội dung quy định của Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND, ngày 09/11/2020 của HĐND tỉnh Trà Vinh, quy định về chính sách hỗ trợ người lao động, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025, huyện hỗ trợ cho 96 đối tượng, số tiền 913,174 triệu đồng.
Năm 2023, các ngành huyện, các đoàn thể, địa phương trong huyện phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho 3.768 lượt hộ vay vốn, tổng số tiền hơn 116,442 tỷ đồng. Trong đó, cho vay ưu đãi hộ nghèo 101 hộ, số tiền 3,942 tỷ đồng; 612 hộ cận nghèo, số tiền 27,188 tỷ đồng; 54 hộ mới thoát nghèo, số tiền 1,861 tỷ đồng; 189 trường hợp là học sinh - sinh viên vay, số tiền 12,410 tỷ đồng; 1.919 hộ vay thực hiện nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, số tiền 30,890 tỷ đồng; 676 hộ vay giải quyết việc làm, số tiền 24,302 tỷ đồng; 102 hộ vay xuất khẩu lao động, số tiền 9,618 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo, cận nghèo về nhà ở, đã giải ngân cho 91 hộ, số tiền 4,115 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội 02 hộ, số tiền 0,374 tỷ đồng.
Tại ấp Thanh Trì A, xã Đa Lộc, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Ngọt, sinh năm 1981, là hội viên nông dân, trước đây là hộ nghèo, nhờ chí thú làm ăn, được hỗ trợ vốn vay, anh đã thoát nghèo, cuộc sống hiện ổn định. Hiện anh Ngọt trồng gần 500 chậu hoa vạn thọ, bán cho người dân nhân dịp Rằm tháng 10 âm lịch. Sau đợt hoa này, anh xuống giống khoảng 3.000 chậu hoa vạn thọ, cúc... để phục vụ thị trường tết Nguyên đán. Việc trồng hoa được anh thực hiện nhiều năm; anh còn dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội 40 triệu đồng, số tiền anh vay để đầu tư trồng hoa kiểng và mua được 02 con bò. Theo anh Ngọt, mỗi năm, anh lời gần 30 triệu đồng/vụ hoa Tết.
Theo đồng chí Lữ Khắc Hồi, thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2023, huyện được phân bổ 2,402 tỷ đồng, đã triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng “nuôi bò vỗ béo” và “nuôi bò sinh sản” tại 14/14 xã, thị trấn. Ngoài các tác động để giảm nghèo hiệu quả trên, năm 2023 huyện luôn quan tâm công tác chính sách, bảo trợ xã hội, nhất là đối với người có công; bằng nhiều nguồn vốn, huyện xây dựng 11 căn nhà tình nghĩa, kinh phí 570 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa 12 căn nhà tình nghĩa, kinh phí 214,5 triệu đồng. Đồng thời, UBND huyện phê duyệt trợ cấp hàng tháng cho 1.520 đối tượng bảo trợ xã hội.
Với những kết quả đạt được, năm 2024, Châu Thành đề ra một số chỉ tiêu: giải quyết và hỗ trợ giới thiệu việc làm cho khoảng 3.500 lao động có việc làm mới, phối hợp đưa 100 lao động đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; phấn đấu tăng tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đến cuối năm 2024 đạt 75,3% trở lên; có văn bằng chứng chỉ đạt 35,2% trở lên.
Để đạt các chỉ tiêu đề ra, Châu Thành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo, từng bước xã hội hóa công tác giảm nghèo, từng bước làm chuyển biến và nâng cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.