03/06/2020 05:09
Đường, điện nông thôn ấp Chà Dư, xã Lương Hòa A được đầu tư khang trang, góp phần giúp Nhân dân giao thương buôn bán, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Xác định giảm nghèo bền vững là cần thiết và cấp bách, Huyện ủy Châu Thành đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung mọi nguồn lực, tạo cơ hội cho hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, trước hết ưu tiên cho hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, người già neo đơn, đồng bào Khmer... Từ đó, rà soát, tìm hiểu, đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo của địa phương nhằm nắm được nhu cầu để có hướng hỗ trợ thích hợp. Những đối tượng này được tạo mọi điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, được tạo điều kiện học nghề, giới thiệu việc làm… Từ năm 2019 đến nay, huyện Châu Thành liên kết với các ngành chuyên môn tổ chức 79 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trên lĩnh lực trồng trọt và nuôi trồng thủy sản,... có 2.195 lượt người tham dự. Mở được 17 lớp nghề cho 494 lao động (03 lớp sơ cấp kỹ thuật xây dựng có 89 học viên; 14 lớp nghề dưới 03 tháng có 405 học viên); phối hợp các cơ sở, doanh nghiệp tổ chức truyền nghề, dạy nghề dưới 03 tháng cho 1.240 người lao động đang làm việc tại cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Nếu như 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện trên 13%, đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,04%.
Bà Lê Thị Tại, ngụ ấp Rạch Sâu, xã Long Hòa cho biết: Đa số người dân, nhất là hộ nghèo ở đây đều làm nghề nông, việc xã tận dụng nguồn vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ hộ nghèo thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản là phù hợp, vì tranh thủ lúc nhàn rỗi mình đi cắt cỏ cho bò ăn, mùa khô thì mua một ít rơm để dự trữ cho bò, đây là mô hình rất phù hợp với điều kiện tự nhiên và khả năng của gia đình. Gia đình tôi được hỗ trợ vay 20 triệu đồng mua được 01 con bò nái, hiện tổng đàn bò nái đã tăng lên 04 con, theo tính toán của tôi, trung bình 03 năm, mỗi con bò đẻ được 02 con bò nghé, với 04 con bò nái, sau 03 năm sẽ được 08 con bò nghé, hiện mỗi con bò nghé nuôi khoảng 06 tháng tuổi, bán với giá khoảng 10-20 triệu đồng/con; tiền bán từ phân bò mỗi năm khoảng 2,5 triệu đồng/04 con đủ để mua thức ăn cho bò, mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình, mỗi năm lợi nhuận 30 triệu đồng/năm. Hiện cuộc sống của gia đình đã dần ổn định, vừa qua tôi xin thoát nghèo.
Ông Trần Thanh Truyền, ngụ ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ cho biết: Gia đình tôi cuộc sống khó khăn, vừa qua, xã vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng được căn nhà nhân ái, tổng kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình rất phấn khởi. Đây là niềm vui không thể tả và là động lực rất lớn giúp tôi tiếp tục phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Ngoài hỗ trợ nhà ở, xã còn vận động gia đình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển 0,2ha chuyên trồng lúa sang trồng màu, màu tôi chọn trồng chủ yếu là khổ qua, mỗi năm lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng. Giờ đây cuộc sống gia đình ổn định, tôi quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng.
Kinh nghiệm xóa nghèo bền vững của huyện Châu Thành là tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng từng hộ gia đình và chia ra nhiều nhóm đối tượng như: nhóm hộ có lao động cần việc làm ổn định hay có nhu cầu học nghề; hộ có sức lao động, có điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhưng thiếu kiến thức hoặc thiếu vốn; nhóm hộ nghèo có sức lao động nhưng lười biếng lao động; hộ nghèo có sức lao động nhưng không có tư liệu sản xuất, hộ không thường xuyên hoặc không tham gia hội họp ở khu dân cư... từ việc xác định các nhóm trên, sẽ có biện pháp vận động phù hợp và hiệu quả. Sau khi xác định được nhu cầu của hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các hội, đoàn thể phân công cho từng chi, tổ hội có kế hoạch giúp đỡ cho các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn từ các dự án, chương trình giảm nghèo bền vững, từ đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể, tạo cơ hội để người dân tiếp cận các dịch vụ, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Bà Thạch Thị Sa Thy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: Năm 2020, theo kế hoạch, toàn huyện phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,94%, riêng vùng có đông đồng bào Khmer giảm 2,12%. Để đạt kế hoạch, huyện đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Vận động, khuyến khích hộ nghèo đăng ký thoát nghèo, lựa chọn và dự kiến những hộ có khả năng thoát nghèo để tập trung ưu tiên hỗ trợ, nhất là phát huy được thế mạnh các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, mạnh dạn liên kết giới thiệu việc làm, tận dụng các nguồn vốn đầu tư các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản phù hợp để các hộ nghèo có việc làm, thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, khuyến khích, động viên hộ nghèo tự vươn lên. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát trong thực hiện giảm nghèo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.