05/08/2020 06:51
Thực hiện Quyết định số 2368/QĐ-UBND, ngày 13/12/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của huyện Châu Thành đạt khá, sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực tập trung theo quy hoạch. Nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị được hình thành và phát huy hiệu quả, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất từng bước được cải thiện.
Nông dân ấp Ngãi Hiệp, xã Hưng Mỹ chuyển đổi cơ cấu sản xuất đưa cây màu xuống chân ruộng lúa.
Đời sống Nhân dân huyện Châu Thành chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tổ chức sắp xếp lại sản xuất, đổi mới tư duy sản xuất và xây dựng mối liên kết hợp tác sản xuất. Công tác thủy lợi, chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm đầu tư.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, giá trị sản xuất tăng bình quân 11,18%/năm, vượt 0,18% so Nghị quyết; diện tích trồng lúa ổn định gần 43.000ha/năm, sản lượng bình quân hàng năm đều tăng; kinh tế vườn tiếp tục phát triển, lợi nhuận trung bình từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có nhiều hộ lợi nhuận trên 500 triệu đồng/ha/năm; hình thành một số vùng sản xuất rau, màu chuyên canh, luân canh ở các xã Hòa Lợi, Hưng Mỹ, Phước Hảo, Lương Hòa A… nâng mức thu nhập bình quân gấp 02 - 03 lần so với trồng lúa. Thực hiện đề án chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa - thủy sản với diện tích 367ha tại các ấp Trà Cuôn, Vang Nhứt và Hòa Hảo, xã Phước Hảo bước đầu phát huy hiệu quả.
Ông Võ Quốc Hồng, ấp Trà Cuôn, xã Phước Hảo cho biết: thực hiện đề án chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa - thủy sản do chính quyền địa phương và ngành chuyên môn phát động, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ trình diễn mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng luân canh với lúa. Gia đình tôi tham gia mô hình với diện tích 0,3ha và được trung tâm hỗ trợ 100% tiền mua con giống và một phần thức ăn công nghiệp. Mật độ thả nuôi 32 con/m2, tỷ lệ sống 90%, sản lượng đạt 06 tấn/ha (trọng lượng 60 con/kg), bán với giá 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trên 304 triệu đồng/ha.
Ngành chuyên môn, nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa giống tại ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ.
Ông Mai Văn Phiên, ấp Trà Cuôn chia sẻ: trong thực hiện mô hình luân canh tôm thẻ với lúa, thời gian thả tôm giống khoảng từ tháng 02 đến tháng 3 , còn xuống giống lúa từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7 (âm lịch)… với sản lượng đạt 06 tấn/ha, năng suất lúa đạt 05 tấn/ha; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trên 310 triệu đồng/ha.
Xã Mỹ Chánh, là một trong những địa phương của huyện thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Sươl, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã đặc biệt quan tâm và tranh thủ nhiều nguồn vốn của huyện, tỉnh đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, hiện đường nông thôn đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa; hệ thống thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh, đáp ứng đủ nước tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp của xã. Để giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất được ưu tiên hàng đầu. Nhiệm kỳ qua, xã đã chuyển đổi trên 181ha đất trồng lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng màu, nuôi thủy sản, trồng cây khác. Qua khảo sát đánh giá của ngành chuyên môn và nông dân, trung bình mỗi héc-ta chuyển đổi có lợi nhuận từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm.
Ông Lưu Văn Mỹ, ấp Thanh Nguyên B, xã Mỹ Chánh cho biết: “nông dân muốn khá lên không nên độc canh cây lúa, mà phải biết chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Gia đình tôi có 0,2ha đất lúa chuyển sang chuyên trồng màu, mỗi năm lợi nhuận 30 triệu đồng, nhờ trồng màu mà gia đình tôi có cuộc sống ổn định”.
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng phục vụ đề án tái cơ cấu nông nghiệp cũng được đầu tư nâng cấp. Nhiệm kỳ qua, bằng nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện đầu tư xây dựng 118km đường nhựa, 216km đường đal, nâng đến nay, toàn huyện có 202km đường nhựa, 488km đường đal. Xây dựng mới 109 cầu bê-tông cốt thép, tổng chiều dài 2.089m, đến nay, có 359 cây cầu, tổng chiều dài 7.096m, tổng số vốn đầu tư 498,6 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương 198 tỷ đồng, vốn tỉnh trên 170 tỷ đồng, vốn huyện trên 95 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 11,5 tỷ đồng, vốn khác 23,6 tỷ đồng, Nhân dân hiến 24.147m2 đất để làm đường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa dễ dàng.
Về XDNTM, toàn huyện có 33.476/37.194 hộ gia đình văn hóa, nông thôn mới, đạt 90%; 79/103 ấp nông thôn mới, đạt 76,69%; 10/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, xã Hưng Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo kế hoạch, đến năm 2021, huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Bà Thạch Thị Sa Thy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, toàn huyện chuyển đổi gần 2.069ha đất trồng lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp... sang trồng màu, nuôi thủy sản, trồng cỏ, trồng cây ăn trái hiệu quả. Thời gian tới, huyện xác định phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, nhằm tạo bước đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp địa phương trong quá trình hội nhập.
Chính vì vậy, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền sâu rộng nội dung đề án tái cơ cấu nông nghiệp và kế hoạch về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cộng đồng dân cư nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất theo hướng hàng hóa; liên kết hàng hóa trong sản xuất và xã hội hóa đầu tư, đảm bảo tính bền vững. Thực hiện tốt các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội được phê duyệt, đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phù hợp, trên cơ sở lợi thế sản phẩm của địa phương. Đẩy mạnh các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng giữa các doanh nghiệp với nông dân. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.