16/09/2021 16:16
Nông dân xã Nguyệt Hóa chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ.
Thực hiện nghị quyết “tam nông”, Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai, tuyên truyền sâu rộng trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân về mục đích, yêu cầu, nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của nghị quyết bằng nhiều hình thức, như: phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, chi, tổ Hội, tờ bướm, sổ tay tuyên truyền về XDNTM, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lồng ghép trong các cuộc hội thảo, tập huấn...
Bằng các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện, huyện Châu Thành đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Tập trung huy động nguồn lực, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Kết quả sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định và toàn diện, kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, thâm canh, chuyên canh. Đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ để tăng năng suất, chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, như: lúa hữu cơ, rau màu, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua biển...
Đời sống, tinh thần của người dân được cải thiện. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân tăng trên 2,6%/năm, ước giá trị năm 2021 đạt trên 3.531 tỷ đồng, tăng 1,39 lần so với năm 2008. Tỷ trọng kinh tế nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch giảm dần từ 53,42% năm 2008 xuống còn 42,84% năm 2021. Cơ cấu giá trị sản xuất nội ngành chuyển dịch đúng hướng, từng bước giảm nông nghiệp từ 68,5% xuống còn 60,6%, tăng thủy sản từ 27,05% lên 34,02%.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM huyện Châu Thành đạt 06/09 tiêu chí, còn 03 tiêu chí (tiêu chí số 1: quy hoạch, tiêu chí số 5: y tế - văn hóa - giáo dục và tiêu chí số 7: môi trường) đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Dự kiến cuối năm 2021, có 13/13 xã đạt chuẩn xã NTM và huyện đạt chuẩn huyện NTM.
Ông Lê Văn Trí, Bí thư Đảng ủy xã Long Hòa cho biết: trước đây, Long Hòa là một trong những xã khó khăn của huyện, năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 27,45%, thu nhập bình quân 19,1 triệu đồng/người/năm. Năm 2011, qua rà soát các tiêu chí về XDNTM, xã chỉ đạt 05/19 tiêu chí XDNTM. Cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là nông nghiệp, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế của Nhân dân còn hạn chế... Sau khi thực hiện nghị quyết “tam nông”, hiện xã Long Hòa đạt được những kết quả tích cực, kết cấu hạ tầng, như: điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế... được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang. Nhất là sản xuất nông nghiệp tại địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trên địa bàn xã hình thành được vùng sản xuất lúa hữu cơ gần 109ha, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, nuôi tôm sú, cua biển… Hiện, xã đạt chuẩn xã NTM và đang xây dựng xã NTM nâng cao.
Nghị quyết “tam nông” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, sau 12 năm triển khai thực hiện, huyện Châu Thành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: phát triển nông nghiệp chưa thật sự bền vững; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành vùng sản xuất chuyên canh có quy mô đáp ứng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, thiếu sự liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, giữa sản xuất với thị trường.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích và ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp còn chậm. Mặc dù xây dựng được nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả nhưng chậm được nhân rộng… Trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều rủi ro, nhất là về giá, dịch bệnh, thiếu lao động trong việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa cao, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp. Các cơ sở công nghiệp - dịch vụ nông sản chưa gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu; tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn diễn ra…
Để lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới, ông Huỳnh Công Lập, Bí thư Huyện ủy Châu Thành yêu cầu các cấp ủy Đảng, các ngành cần lãnh, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng để nâng cao nhận thức của Nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xác định việc đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp toàn diện. Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế trang trại; vận dụng các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện để đầu tư phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Tập trung xúc tiến đầu tư, thương mại, quan tâm phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp - dịch vụ phục vụ nông nghiệp nông thôn. Huy động nguồn nhân lực đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn. Tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy gắn với tinh giãn biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.