18/05/2023 07:20
Đoàn công tác của VCCI tham quan Công ty Cổ phần Mỹ Lan, Khu Công nghiệp Long Đức - doanh nghiệp sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng xanh.
Ngày 09/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức hội thảo vùng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), với mục tiêu khởi động cho quá trình phối hợp thúc đẩy phát triển bền vững các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hội thảo đã khẳng định cần tiếp tục cải cách, đổi mới hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ, hướng đến vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp (DN) vì mục tiêu phát triển bền vững của khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ. Vấn đề cốt lõi của hội thảo đã tìm ra định hướng phù hợp xu hướng thế giới, nhưng cần gỡ vướng khi thực thi.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn nhấn mạnh tại hội thảo: chỉ số PGI năm 2022, Trà Vinh được ghi nhận là 01 trong 03 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Chỉ số PGI nhằm khuyến khích chính quyền các tỉnh, thành phố nỗ lực phát triển khu vực tư nhân theo Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và Chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu…
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn phân tích thêm: Tỉnh có Khu Kinh tế Định An, 39.020ha đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu chức năng để mời gọi đầu tư; Khu Công nghiệp Long Đức (100ha) đã lấp đầy; Khu Công nghiệp Cổ Chiên (200ha) đang triển khai bồi thường giải phóng mặt để giao cho nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng; Khu Công nghiệp Cầu Quan (giai đoạn 1: 120ha) đã có nhà đầu tư đề xuất dự án; Quy hoạch 16 cụm công nghiệp và 04 cụm công nghiệp đã thành lập; Có 04 nhà máy nhiệt điện, 01 dự án điện mặt trời và 05 dự án điện gió, tổng công suất 4.960MW đang vận hành cung cấp điện vào điện lưới quốc gia… đó là thế mạnh và tiềm năng của tỉnh. Trong lộ trình phát triển, Trà Vinh khẳng định: không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, tỉnh sẽ nỗ lực ngày càng tốt hơn về thực hiện chỉ số PGI. |
Khẳng định về “Định hướng phù hợp xu hướng thế giới, nhưng cần gỡ vướng khi thực thi”, đồng chí Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết: phát triển xanh, bền vững là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với vùng ĐBSCL, vùng có thế mạnh từ nông nghiệp, đang dần sang công nghiệp, du lịch, kinh tế biển... Xu hướng chung của thế giới là phát triển xanh phải nằm trong mọi yếu tố của quá trình phát triển. Do đó, khu vực ĐBSCL cần quan tâm các dự án FDI, cần xanh hơn, chất lượng và công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Hội thảo cũng ghi nhận một số vấn đề hiện tại là công tác thực thi chỉ số PGI đối với một số tỉnh. Dù các tỉnh triển khai nhiều chương trình hành động thực hiện nhưng gặp khó khi chưa đủ điều kiện đánh giá các tiêu chí, nhất là xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể và khả thi, phù hợp với hoàn cảnh của địa phương; đánh giá về kết quả thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh ở các địa phương. Các tỉnh đề nghị VCCI cần hỗ trợ kịp thời các vấn đề từ thực tiễn qua phản ánh của các DN, nhà đầu tư nhận diện được những điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục.
Về vấn đề này, đồng chí Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh thông tin: thực hiện hiệu quả về chỉ số PGI, đòi hỏi lộ trình và kinh phí. Từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã xác định chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” gắn với thực hiện hiệu quả 03 đột phá chiến lược: cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng. Từ đó, hàng năm tỉnh đã chi khoảng 03% tổng chi ngân sách địa phương cho công tác bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Ninh đã dành hơn 36 tỷ đồng để thực hiện 24 nhiệm vụ, đề án nghiên cứu khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường.
Hội thảo đã góp phần chia sẻ thực tiễn tốt để phát triển kinh tế xanh. Đồng chí Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: phát triển công nghiệp của tỉnh chủ yếu tập trung vào chế biến, chế tạo theo hướng quy trình sản xuất sạch hơn; sản xuất và phân phối điện đang tập trung lĩnh vực điện năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời.
Nhờ những nỗ lực trên, Trà Vinh được cộng đồng DN đánh giá chỉ số PCI năm 2022 cải thiện, từ hạng 51 năm 2021 lên hạng 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước năm 2022 (tăng 25 hạng). Kết quả này có sự phối hợp thực hiện đồng bộ, thân thiện, hài hòa các lợi ích giữa cộng đồng DN và Nhà nước, sự hỗ trợ nhiệt tình của các tỉnh, thành bạn, sự phấn đấu của toàn tỉnh. Tuy kết quả công bố xếp hạng là tỉnh đứng đầu chỉ số PGI, nhưng nhìn lại điểm số chung và điểm số các chỉ số thành phần thì tỉnh Trà Vinh cũng còn nhiều mặt hạn chế cần cải thiện trong thời gian tới.
Là tỉnh có thế mạnh về công nghiệp, đồng chí Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An chia sẻ với hội thảo: Long An thuộc khu vực ĐBSCL, nhưng ưu thế “gần trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh”. Với quan điểm ưu tiên các dự án nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, công nghệ cao, tỉnh kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án chưa hoàn thiện các thủ tục bảo vệ môi trường. Thời gian tới tỉnh sẽ rà soát ban hành các văn bản bảo vệ môi trường, kịp thời triển khai cộng đồng DN để tiếp cận tăng cường tuyên truyền mời gọi sự tham gia của cộng đồng; đẩy mạnh kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật về môi trường, thu hút, xã hội hóa công tác xử lý rác thải, nước thải cho đô thị, khu công nghiệp và khu kinh tế.
Đồng chí Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Đồng Tháp đang lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên các nguyên tắc: phát triển bền vững và cân bằng trên 03 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường; kế thừa liên tục, ổn định các chiến lược và giải pháp quy hoạch, đầu tư phát triển của tỉnh, phát huy tối đa nguồn lực của Trung ương, địa phương và nguồn lực huy động từ DN; quy hoạch “động” với tầm nhìn dài hạn, đảm bảo tính khả thi và thích ứng với biến động thị trường, môi trường, khí hậu; huy động sự tham gia các chủ thể, hài hòa lợi ích của tỉnh, người dân và DN, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất, hợp tác và tích hợp đồng bộ để khai thác lợi thế về liên kết vùng với các tỉnh lân cận và tổng thể vùng ĐBSCL.
Hội thảo đã làm sáng thêm những định hướng chung cho các tỉnh ĐBSCL về chỉ số PGI. Kỳ vọng rằng: vùng ĐBSCL sẽ là vùng xanh toàn diện trong lộ trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.