14/06/2022 08:28
Hệ thống rừng ngập mặn ven biển của tỉnh luôn chịu sức ép lớn từ tác động của điều kiện thiên nhiên, nhất là tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hoạt động thiếu ý thức của một bộ phận nhỏ cộng đồng dân cư sinh sống ven biển làm suy giảm diện tích và chất lượng rừng. Tuy nhiên, từ khi Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành đã tác động mạnh mẽ đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Rừng đước trong Khu bảo tồn xã Long Khánh, huyện Duyên Hải.
Những năm qua, được sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ rừng, tuyên truyền lồng ghép vào quy chế xây dựng khóm, ấp văn hóa, cộng đồng, khu dân cư; tăng cường vai trò giám sát của người dân; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Qua 05 năm (2017 - 2021) triển khai, thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” (Chỉ thị số 13), ngày 03/5/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 45-KH/TU tổ chức thực hiện trong toàn đảng bộ; ngày 02/8/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU về tăng cường công tác trồng, quản lý và bảo vệ cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai theo giai đoạn và từng năm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là ở các địa bàn có rừng; chỉ đạo Đảng Đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh thực hiện việc giám sát công tác triển khai thực hiện các dự án trồng, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2017 - 2021, tỉnh đã thực hiện trồng mới rừng phòng hộ được 352,7ha (trong đó, trồng mới 288,8ha, trồng rừng thay thế 64,9ha) và đưa diện tích rừng cây họ dầu tại các chùa Khmer đang quản lý (295,4ha) vào thống kê diện tích rừng ngoài quy hoạch 03 loại rừng của tỉnh.
06 tháng đầu năm 2022, triển khai kế hoạch trồng rừng 35ha; thực hiện chăm sóc rừng 310ha; thực hiện bảo vệ rừng 9.553,42ha (trong đó, giao khoán bảo vệ rừng 3.534ha); vệ sinh phòng cháy rừng 153,43ha. Đồng thời, tổ chức 336 lượt tuần tra bảo vệ rừng, phát hiện và xử lý 10 vụ vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính, với tổng số tiền 88,25 triệu đồng. Trong 05 năm qua, các cấp, các ngành tổ chức được 132 lớp tập huấn, với 3.408 lượt người tham dự, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện có diện tích rừng quy mô lớn, như các huyện: Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân được nâng lên, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thấy được vai trò đặt biệt quan trọng của rừng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, khơi dậy tiềm năng về du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển của tỉnh.
Ngày 19/3/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2021/QĐ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025, qua đó, hỗ trợ phát triển trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán và hỗ trợ về khoán, bảo vệ rừng phòng hộ, với mức khoán là 500.000 đồng/ha/năm. UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện đề án giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp, bảo đảm toàn bộ diện tích và đất lâm nghiệp được giao, cho thuê đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ năm 2017 - 2021, ngành kiểm lâm tổ chức, phối hợp tổ chức được 4.502 lượt tuần tra, truy quét, xử lý vi phạm trong bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đã phát hiện 78 vụ vi phạm, xử lý 88 đối tượng, xử phạt hành chính 675,45 triệu đồng (giảm 30 vụ so với giai đoạn 2011 - 2016).
Rừng đước ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải. Ảnh: HỮU HUỆ
Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 9.492,58ha, gồm: rừng tự nhiên 2.922,03ha và rừng trồng 6.570,55ha (rừng phòng hộ 5.406,46ha, rừng sản xuất 3.790,72ha, rừng ngoài quy hoạch 295,4ha), góp phần nâng độ che phủ rừng của tỉnh từ 3,3% năm 2016 lên 4,04% năm 2021. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm 30,78% tổng số diện tích rừng của tỉnh gồm cây bần và các loại cây hỗn giao ngập mặn; rừng trồng chiếm 69,22% tổng diện tích rừng gồm phi lao, bần, đước, dừa nước, hỗn giao ngập mặn; số còn lại là cây họ dầu.
|
Cùng thời gian, tỉnh thực hiện 11 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác với tổng diện tích 31,773ha nhằm thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, như: dự án đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghiệp xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải; dự án xây dựng khu du lịch tham quan, nghỉ dưỡng Ba Động, ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải; công trình đê ven cửa sông Cổ Chiên tại thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang; các dự án công trình điện gió thuộc địa bàn huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.
Ông Phạm Minh Ký, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải cho biết, tổ chức Hạt có 03 trạm kiểm lâm: 01 trạm đóng trên địa bàn xã Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải), 02 trạm đóng trên địa bàn xã Đông Hải và xã Long Vĩnh (huyện Duyên Hải). Hàng tuần, các trạm đều có lên kế hoạch tuần tra, kiểm soát, bảo vệ và xử lý khi có phát hiện vi phạm về rừng xảy ra.
Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã xây dựng được 02 khu rừng giống lâm nghiệp, gồm: khu rừng đước giống tại ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, với diện tích 50ha; khu rừng bần giống tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, với diện tích 18ha, nhằm chủ động nguồn giống có chất lượng phục vụ trồng rừng của tỉnh. Đồng thời, xây dựng 02 vườn ươm cây giống tại ấp Năm, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, với diện tích 12ha và tại ấp Giồng Giếng, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, với diện tích 2,2ha.
05 năm qua, công tác trồng rừng được quan tâm, chú trọng, từ nguồn vốn đầu tư của các dự án lâm sinh, toàn tỉnh trồng mới 386,8ha rừng, gồm: trồng 288,8ha rừng phòng hộ gồm phi lao, bần, đước, dừa nước và hỗn giao ngập mặn và trồng rừng thay thế được 64,ha nhằm khôi phục diện tích rừng bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; trồng bổ sung 34ha cây đước vào khu vực rừng bần thưa để tăng cường mật độ, chất lượng rừng. Đồng thời, tổ chức chăm sóc 1.355,77ha và trồng 301.140 cây lâm nghiệp phân tán.
Ông Nguyễn Vũ Phương, Bí thư Chi bộ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, ngay từ đầu quý II/2017, chi bộ có công văn chỉ đạo Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và Ban lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường chỉ đạo đoàn viên, công chức, viên chức trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư; đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao hoàn thành 100% kế hoạch theo từng năm. Tăng cường biểu dương, khen thưởng đơn vị, cá nhân có thành tốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, ven sông; lập và triển khai thực hiện dự án trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển sang mục đích khác để khôi phục lại rừng; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Xây dựng và thực hiện đề án cải tạo rừng kém hiệu quả, sắp xếp lại rừng theo hướng tập trung, thuần loài kết hợp nuôi trồng thủy sản. Xây dựng và triển khai dự án trồng lại rừng trên những địa bàn có rừng trồng phi lao bị chết ở các vùng ven biển của tỉnh.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.