06/05/2024 16:07
Các chuyên gia của Tổ chức quốc tế kiểm tra chất lượng cây trồng ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn của Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp Gia Hưng thích ứng với BĐKH.
Tỉnh Trà Vinh chịu ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nhất là khô hạn, mặn xâm nhập đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt, cụ thể mùa khô năm 2015 - 2016 có 18.332ha lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán và mặn xâm nhập; độ mặn tăng đột ngột đã khiến các hộ nuôi cá lóc thiệt hại khoảng 985.000 con giống. Kế đến mùa khô 2019 - 2020 khô hạn, mặn xâm nhập gây ảnh hưởng và thiệt hại 21.900ha lúa, 87ha cây màu, 276ha cây ăn trái; tổng giá trị sản xuất thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở định hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các chuỗi giá trị nông nghiệp ưu tiên ở lĩnh vực trồng trọt (lúa - gạo, đậu phộng); nuôi bò thịt, thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển).
Cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất quy mô lớn
Đồng chí Lâm Quang Thảo, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh cho biết: chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp thông minh và thích ứng với BĐKH, thời gian tới, tỉnh thực hiện cơ cấu lại cây trồng theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương và phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với BĐKH, nhất là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.
Đối với lúa gạo, phát triển sản xuất lúa ở vùng quy hoạch tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hậu cần logistics. Giữ ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa 80.000ha; sản lượng đạt trên 01 triệu tấn/năm, nhằm đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 85 - 90% diện tích lúa toàn tỉnh. Sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa; bố trí cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng theo hướng thuận thiên có kiểm soát thích ứng với BĐKH; tập trung gieo trồng các giống lúa năng suất, chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường; nâng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận và tương đương cấp xác nhận trên 90%, tập trung phát triển cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất đến thu hoạch.
Hình thành các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững như: “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, tưới tiết kiệm nước “ngập khô xen kẽ”, thu rơm rạ khỏi đồng ruộng nhằm gia tăng giá trị, góp phần phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính. Phấn đấu đến năm 2030 đạt 30.736ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tập trung ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ
Đối với cây màu thực phẩm (rau, củ, quả), phát triển mạnh diện tích dưa hấu, bí đỏ, dưa leo, bí xanh, cà chua, ớt, rau muống, rau cải các loại và đậu các loại…), diện tích gieo trồng từ 35.000 - 38.000ha/năm, sản lượng 930.000 - 970.000 tấn. Xây dựng các chuỗi liên kết gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ rau tại các địa phương, các vùng có sản lượng rau lớn. Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Sản xuất rau hướng vào nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ cao, nhà lưới, nhà màng, tưới nhỏ giọt, sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP, hữu cơ, theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đối với sản xuất rau, củ, quả thực phẩm.
Cây ăn trái, định hướng phát triển cây ăn quả của tỉnh đến năm 2030 là 22.000ha và sản lượng đạt 330.000 tấn, tập trung phát triển các cây trồng chủ lực tập trung trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, gắn với phát triển các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ, như: xoài, cam sành, quýt đường, thanh long ruột đỏ, chuối, nhãn, bưởi,… Đồng thời, du nhập và phát triển các loại cây ăn quả mới phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh và có thị trường tiêu thụ.
Đến năm 2030 diện tích dừa đạt khoảng 27.500ha
Giữ ổn định diện tích các vùng trồng dừa đến năm 2030 khoảng 27.500ha, sản lượng 400.000 tấn, tập trung cải tạo dần các vườn dừa năng suất thấp và bị lão hóa bằng các giống năng suất và chất lượng cao, thích nghi với điều kiện sản xuất của từng địa phương, xây dựng phổ biến quy trình canh tác bền vững; phát triển các vùng sản xuất dừa hữu cơ đạt khoảng 8.000ha. Đồng thời, phát triển dừa sáp đặc sản với quy mô vừa phải với diện tích khoảng 750 - 800ha. Xây dựng và phát triển các mô hình trồng xen, nuôi xen thích hợp với dừa như mô hình dừa xen ca cao, dừa xen chuối, nuôi tôm càng xanh dưới tán dừa,… nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, góp phần canh tác dừa bền vững.
Chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ tập trung ngoài khu dân cư, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn, tổ chức sản xuất khép kín, xây dựng thương hiệu, liên kết chuỗi với hệ thống giết mổ tập trung, nhà máy chế biến, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Xác định 03 nhóm vật nuôi chủ lực là bò thịt, heo, gia cầm gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thủy sản, phát triển mạnh theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương theo 03 vùng sinh thái (mặn, lợ, ngọt). Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi; phát triển mạnh nuôi thâm canh mật độ cao ở một số đối tượng như: tôm thẻ chân trắng và tôm sú, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với BĐKH; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Hỗ trợ phát triển, cải thiện các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái
Theo đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: những năm gần đây, cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt và chăn nuôi, tăng tỷ trọng thủy sản phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và từng bước thích ứng với BĐKH; giá trị sản xuất đất trồng trọt năm 2023 đạt 155 triệu đồng/ha, tăng 25 triệu đồng so với năm 2018; thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt khoảng 55 triệu đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 2018.
Trước tình hình BĐKH như hiện nay làm cho sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn hơn. Vì thế, mục tiêu Dự án “chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp thông minh, bền vững, thích ứng với BĐKH tại vùng giữa và ven biển đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, trong đó có Trà Vinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực tổ chức cho các bên có liên quan trong hợp tác công tư liên quan đến chuyển đổi hệ thống lương thực thông minh thích ứng với BĐKH.
Hỗ trợ phát triển và cải thiện các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái bao gồm tổng hợp, phân tích và cải tiến các hệ thống sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH đang triển khai; nâng cao năng lực cho các tổ chức của nông dân và đặc biệt hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp nhằm khuyến khích phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái, thân thiện với khí hậu và môi trường.
Nâng cao năng lực của các bên liên quan về giám sát, đánh giá trong chuyển đổi các hệ thống sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy cơ chế đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái, thân thiện với khí hậu và môi trường.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.