20/12/2024 13:54
Trước tình hình dịch bệnh cúm gia cầm (CGC) trên động vật và trên người trong năm 2024 đang diễn biến phức tạp. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tại Công văn số 8974/CT-BNN-TY, ngày 26/11/2024, hiện nay, nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan trên gia cầm, lây sang các loài động vật mẫn cảm và người ở nước ta trong thời gian tới, đặc biệt là giai đoạn trước, trong và sau tết Nguyên Đán Ất Tỵ rất cao.
Trên địa bàn cả nước, từ đầu năm 2024 đến nay, đã xảy ra 14 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 09 tỉnh, gần 100.000 con gia cầm mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy (tăng 2,64 lần so với cùng kỳ), có 02 ổ dịch CGC A/H5N1 trên động vật hoang dã (hổ, báo) nuôi nhốt tại các tỉnh Long An và Đồng Nai. Tình hình dịch bệnh CGC trên người trong năm 2024 gia tăng, có 01 người bị nhiễm và chết do cúm A/H5N1 (tại Tỉnh Khánh Hòa, vào ngày 23/3/2024) và 01 người nghi bị nhiễm cúm A/H5N1 (tại tỉnh Long An vào ngày 07/11/2024); ngoài ra, cũng đã phát hiện 01 ca người mắc CGC A/H9N2 (tại tỉnh Tiền Giang ngày 16/3/2024) và 01 ca người mắc cúm lợn chủng H1N1 (tại tỉnh Sơn La ngày 01/6/2024).
Nông dân xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú nuôi vịt đẻ nhốt chuồng. Ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Trước tình hình trên, ngày 06/12/2024, Sở NN-PTNT Trà Vinh ký ban hành Công văn số 3032/SNN-CNTY về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh CGC ở động vật.
Theo đồng chí Trần Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT Trà Vinh): tỉnh đang tổ chức rà soát tiêm vắc-xin CGC phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt trên 80%/tổng đàn có nguy cơ; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng. Phối hơp với địa phương tổ chức giám sát chủ động vi-rút CGC trên gia cầm; căn cứ thực tế dịch bệnh CGC tại địa phương để chủ động giám sát trên các loài động vật mẫn cảm, động vật hoang dã để tăng cường phát hiện sớm mầm bệnh, không để dịch bệnh lây lan trên nhiều loài động vật, lây lan sang người. Với các Trạm Kiểm dịch xuất, nhập tỉnh tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Ghi nhận tại địa bàn xã Long Hiệp, huyện Trà Cú; đây là địa phương có đàn gia cầm nuôi theo hình thức tập trung với số lượng lớn, từ 20.000 - 22.000 con/03 trang trại.
Theo ông Thạch Liên, nhân viên Thú y xã Long Hiệp, đối với các hộ nuôi tập trung số lượng lớn (từ 50 con gia cầm trở lên) thực hiện tiêm phòng vắc-xin CGC theo hình thức xã hội hóa, đạt 100%. Trong quá trình tiêm phòng, nhân viên Thú y sẽ thực hiện giám sát.
Anh Lê Phúc Hiền, chủ trang trại nuôi vịt đẻ ở Ấp Chợ, xã Long Hiệp cho biết: gia đình nuôi vịt đẻ được gần 02 năm; mỗi năm thả nuôi từ 7.000 - 8.000 con vịt đẻ. Do mô hình nuôi vịt đẻ rọ nên chất lượng trứng vịt luôn đảm bảo về trọng lượng (từ 07 - 08gram/trứng) và màu sắc của lòng trứng (đỏ) nhằm cung cấp cho các tiệm bánh, làm chả lụa… Từ đó, giá trứng vịt đẻ rọ luôn cao hơn giá trứng vịt đẻ chạy đồng từ 250 - 300 đồng/trứng (trọng lượng trứng vịt chạy đồng thường dao động từ 04 -05 gram và lòng trứng thường có màu đỏ nhạt hoặc màu vàng cam). Đảm bảo an toàn cho đàn vịt nuôi của trang trại, gia đình chú trọng đến tiêm phòng đủ các loại vắc-xin từ lúc bắt vịt con về đến khi vịt đẻ; trung bình chi phí tiêm phòng vắc-xin (đủ liều theo quy định) khoảng 2.500 đồng/con vịt/năm. Với tỷ lệ vịt đẻ đạt từ 85 - 90%/tổng đàn, nhờ đó thu nhập từ 100.000 - 120.000 đồng/con vịt/năm.
Còn tại huyện Cầu Kè, trong năm 2024, quy mô đàn chăn nuôi gia cầm (chủ yếu là gà nhốt chuồng) và heo nuôi theo quy mô hộ tiếp tục gia tăng khá lớn. Trong đó, đàn heo 71.410 con, đạt 106,6% so kế hoạch (67.000 con) và đàn gia cầm 1,192 triệu con, đạt 99,33% so kế hoạch. Chăn nuôi phát triển theo hình thức kinh tế hộ với quy mô tương đối lớn, toàn huyện có 58 trang trại heo và 18 trang trại gia cầm. Người dân từng bước nâng cao ý thức trong chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường ngày càng phổ biến với hình thức nuôi heo, gia cầm trên đệm lót sinh học, sử dụng khí sinh học Biogas.
Đồng chí Hà Mỹ Xuyên, cán bộ phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cầu Kè cho biết: năm 2024, tình hình dịch bệnh được kiểm soát và không có phát sinh ổ dịch mới. Trong đó, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng trên gia súc đạt 92,42% so chỉ tiêu trong diện tiêm (tương đương 10.681 con); tiêm vắc-xin viêm da nổi cục đạt 45,23%; tiêm vắc-xin CGC đạt 118,65% so chỉ tiêu trong diện tiêm (tương đương 566.065 con gia cầm).
Cũng theo đồng chí Trần Quốc Việt, thời gian tới, tăng cường công tác của đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, kiểm soát tại các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh, để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm mắc bệnh, không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh.
Tiếp tục quản lý và điều hành lực lượng nhân viên thú y xã, phường, thị trấn để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh CGC tại địa bàn được phân công. Đặc biệt, tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ bảo hộ theo quy định, nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh xảy ra.
HỮU HUỆ
Sáng ngày 20/12, tại huyện Cầu Kè, đoàn công tác Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh do ngài Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự, làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh và tham quan, khảo sát vùng trồng dừa sáp của huyện Cầu Kè.