16/02/2023 06:56
Vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang) mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát mặn. Tháng 02 mặn vào sâu từ 45 - 60km; từ tháng 3 mặn gia tăng chủ yếu khu vực sông Vàm Cỏ, mặn có thể xâm nhập từ 65 - 75km.
Đối với Trà Vinh là khu vực tiếp giáp ven biển, hiện đang vào vụ sản xuất lúa đông - xuân năm 2022 - 2023, với tổng diện tích đã xuống giống trên 62.223ha, vượt 20,35% so với kế hoạch (ngày 10/02/2023). Trong này, đối với các trà lúa trong giai đoạn mạ 709ha, đẻ nhánh 29.312ha… có nguy cơ ảnh hưởng của mặn khi các nguồn nước trong nội đồng cạn kiệt (do đóng cống ngăn mặn và kéo dài) gây thiệt hại và giảm năng suất trong giai đoạn phát triển của lúa.
Ghi nhận tại khu vực cống Bông Bót (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè) là khu vực có công trình cống ngăn mặn rất quan trọng (đưa vào vận hành năm 2019) để ngăn mặn khi nước mặn lấn sâu vào phía Sông Hậu và điều tiết nguồn nước ngọt cho phía hạ nguồn (các huyện vùng ven biển) khi không có mặn.
Anh Nguyễn Văn Luân, thủ cống Bông Bót chia sẻ: hiện nay đang vào cao điểm mặn nên việc theo dõi thường xuyên (15 phút/lần), nhiều lúc khi con nước rơi vào 01 - 02 giờ phải tiến hành đo kiểm tra mặn để lấy nước vào. Từ đầu tháng 02 đến nay, nước mặn đã lên rất cao và diễn biến bất thường.
Để đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây thiếu nước trong sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh chỉ đạo các địa phương, đơn vị trực thuộc cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó, chủ động tích nước cho sinh hoạt và cây trồng cạn, tích trữ nước trong các hệ thống kênh rạch trước các kỳ mặn lên cao.
Nhiều diện tích lúa đông - xuân năm 2022 - 2023 ở huyện Cầu Ngang trong giai đoạn mạ có nguy cơ cao về do ảnh hưởng mặn, thiếu nước… (ảnh chụp ngày 10/02/2023, tại cánh đồng xã Thạnh Hòa Sơn).
Huyện Trà Cú hiện có khoảng 3.000ha/12.600ha lúa đông - xuân sẽ chịu áp lực về nước mặn rất lớn, đây là các trà lúa còn trong giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, đòi hỏi nguồn nước cao. Qua trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Đồng, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: trên địa bàn huyện, vào tháng 02, tháng 3 thường gặp khó về tiếp nguồn nước ngọt cho các khu vực giáp huyện Duyên Hải như Long Hiệp, Ngọc Biên, Hàm Giang… trong đó, có các diện tích sản xuất lúa vụ 3 (đông - xuân). Hiện nay, với công trình cống 3 tháng 2 hoàn thành và đưa vào vận hành, có tác dụng rất lớn, tạo thuận lợi về tăng áp lực lượng nước về cuối nguồn.
Đồng chí Lê Phước Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh cho biết: xây dựng lịch vận hành hàng tuần các cống đầu mối phục vụ sản xuất; lịch vận hành (tuần) các cống Láng Thé, Cái Hóp, Cần Chông, Mỹ Văn, Rạch Rum, Bông Bót, Tân Dinh… Kể từ ngày 01/01/2023, các cống đầu mối ven sông Cổ Chiên, Sông Hậu chuyển sang chế độ vận hành theo hướng ngăn mặn, tích nước ngọt, hạn chế tiêu xổ (chủ động lấy nước vào, hạn chế tiêu xổ ra), giữ mực nước trong nội đồng > +0,5m, riêng trong cống Cần Chông là > +0,8m, đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt đệm trong nội đồng. Tất cả các cống nội đồng chuyển sang chế độ vận hành theo hướng cho vào, không cho ra để chủ động tích trữ nước ngọt, chỉ thực hiện việc tiêu xổ nước, ô nhiễm khi thật cần thiết.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.