16/03/2023 17:03
Người dân ấp Động Cao, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải tự trồng rừng đước, vừa bảo vệ mội trường, vừa khai thác thủy sản hiệu quả.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong diện tích quy hoạch phát triển rừng, hiện đất có rừng 9.538ha. Trong đó, rừng tự nhiên 2.955ha, rừng trồng 6.583,46ha (rừng trồng đã thành rừng 6.551,45ha và rừng trồng chưa thành rừng 32ha). Nếu phân theo loại rừng, diện tích rừng phòng hộ 5.410,42ha, rừng sản xuất 3.790,72ha, rừng ngoài quy hoạch 337,60ha.
Trà Vinh là tỉnh ven biển, bờ biển dài hơn 65km, có thế mạnh về kinh tế biển, trong đó có thế minh kinh tế về rừng. Do vậy, rừng, giá trị rừng luôn được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Năm 2022, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm công khai và cung cấp thông tin hiện trạng rừng để thống nhất khai thác, sử dụng; triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thống kê tỉnh và các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về hiện trạng rừng, đảm bảo thống nhất giữa kết quả thống kê, kiểm kê đất đai với kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm.
Trà Vinh nằm giữa Sông Tiền và Sông Hậu, tiếp giáp Biển Đông. Vùng ven biển tỉnh Trà Vinh hình thành và phát triển được dãy rừng ngập mặn đa dạng và phong phú, có ý nghĩa rất lớn về môi trường, kinh tế - xã hội, văn hóa - lịch sử và quốc phòng - an ninh. Do vậy, tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương và Nhân dân khôi phục và phát triển rừng ven biển. Diện tích rừng của tỉnh hiện nay tăng 4.564 ha so với năm 1992. Trên tinh thần đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố ngoài trách nhiệm công khai, cung cấp thông tin hiện trạng rừng, còn thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định. Số liệu hiện trạng rừng hàng năm là cơ sở để lập kế hoạch bảo vệ, phát triển và theo dõi diễn biến rừng năm tiếp theo.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, năm 2022, toàn tỉnh trồng mới 80ha rừng tập trung, vượt 125% kế hoạch; công tác quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện chặt chẽ; triển khai thực hiện Dự án Đầu tư trồng rừng phòng hộ ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng và thực hiện kế hoạch Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ; hoàn thành vệ sinh phòng cháy 254,3ha rừng, chăm sóc 310ha, bảo vệ 3.435ha rừng, đạt 100% kế hoạch...
Đồng chí Nguyễn Văn Lánh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duyên Hải cho biết: là địa bàn ven biển, nên Đảng bộ luôn đặc biệt quan tâm đến giá trị rừng và bảo vệ rừng, khai thác và sử dụng rừng đạt hiệu quả cao nhất. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2022 của thị xã đạt 3,31 tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch. Năm 2022, thị xã Duyên Hải triển khai trồng 10.960 cây lâm nghiệp, đạt 104,4% so với kế hoạch. Trong đó, có một số cây có giá trị: dáng hương, bằng lăng, đước... Ngoài ra, Công ty Trung Sơn phối hợp triển khai trồng 01ha cây phi lao trên địa bàn xã Trường Long Hòa và Công ty Ngó Biển, Phường 2 trồng 20.000 cây đước tập trung.
Việc trồng rừng, bảo vệ rừng không còn là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, mà đã huy động từ nhiều nguồn lực, đã được “xã hội hóa”. Với ý nghĩa đó, ngày 13/01/2023, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Trường Long Hòa (xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải) phối hợp với Tỉnh Đoàn hưởng ứng Tết trồng cây, đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Dịp này, trồng 200 cây ăn trái, cây phân tán các loại tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Trường Long Hòa, trị giá hơn 06 triệu đồng.
Điểm nổi bật là năm 2022, Trà Vinh triển khai Dự án phục hồi rừng ngập mặn trên diện rộng. Theo kế hoạch, Dự án trồng 50ha rừng ngập mặn (trồng mới 12ha và trồng bổ sung 38ha, chủ yếu cây bần và đước) tại tỉnh Trà Vinh, góp phần tăng diện tích, độ che phủ rừng toàn tỉnh, được triển khai tại khu vực bãi bồi thuộc cù lao ấp Long Trị (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh), bãi bồi ven biển và khu vực rừng ven sông thuộc các huyện Châu Thành, Duyên Hải, Cầu Ngang; nhằm phát triển rừng, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhằm tăng cường mời gọi xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, từ năm 2018 đến nay, Công ty SK Innovation Hàn Quốc đã đầu tư cho tỉnh trồng hơn 110ha rừng ngập mặn trên địa bàn các huyện: Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải và thành phố Trà Vinh, góp phần nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt và vượt so với nghị quyết đề ra.
Đồng chí Lê Vũ Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải cho biết: diện tích rừng trên địa bàn xã không lớn, nhưng có giá trị bảo vệ diện tích trồng màu của nông dân ở các ấp ven biển, do vậy, dịa phương thường xuyên phối hợp, bảo vệ kiểm tra rừng, xem đây là “tải sản” chung, cần bảo vệ và phát triển.
Rừng ngập mặn ven biển của tỉnh đang từng bước được khôi phục và phát triển; ý thức bảo vệ, chăm sóc rừng của người dân địa phương được nâng lên rõ rệt. Đây là tín hiệu vui, vì rừng có vai trò rất lớn giúp giảm xói mòn, môi trường sinh thái được bảo vệ, mang lại lợi ích cho người dân sống trong vùng bằng nghề khai thác thủy sản, tạo “bức tường xanh” ngăn bão lũ, nước biển dâng do ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.