27/03/2022 08:09
Trà Vinh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển như: rừng nguyên sinh có hệ thực vật đa dạng, gồm các loài đước, mắm, bần, vẹt, dừa nước, tôm, cua, cá, nghêu…; nhiều danh lam thắng cảnh (biển Ba Động, Cồn Nghêu, Thiền viện Trúc Lâm); khai thác tắm khoáng nóng (mỏ nước khoáng nóng Cồn Ông - Long Thạnh chạy từ ấp Cồn Ông đến khóm Long Thạnh, Phường 1, thị xã Duyên Hải) và có nhiều chùa làm điểm tham quan du lịch gắn với phát triển du lịch sinh thái, mô hình homestay.
Nhờ tiềm năng kinh tế biển (nước mặn, lợ), người dân ven biển huyện Cầu Ngang phát triển mạnh từ nuôi tôm thâm canh sang nuôi thâm canh mật độ cao (Trong ảnh: người lao động của gia đình ông Lê Văn Tích, ấp Khúc Ngay, xã Hiệp Mỹ Đông chăm sóc tôm nuôi).
Ông Hồng Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh cho biết: gói hỗ trợ xây dựng Đề án phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh bền vững đến năm 2030 với tổng dự toán 1,150 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện xây dựng Đề án, đến nay Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tuyển chọn xong đơn vị tư vấn xây dựng Đề án, đã xây dựng dự thảo xong Đề án và lấy ý kiến các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã để làm cơ sở tổ chức hội thảo tham vấn hoàn chỉnh Đề án, dự kiến đến tháng 4/2022 sẽ xây dựng hoàn thành Đề án. Đề án thực hiện xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế biển, tính đến các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, đúng theo chủ trương của Trung ương và của tỉnh; xây dựng các chính sách, lộ trình hành động cụ thể với giải pháp, sự tham gia, nhân lực và tài lực huy động từ các khối công, khối tư để thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh theo hướng bền vững đến năm 2030, nhằm thu hút đầu tư, phát triển về chất lượng và số lượng doanh nghiệp, góp phần đưa Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trà Vinh là tỉnh ven biển, có chiều dài bờ biển 65km, cảnh quan khí hậu thuận lợi cho việc phát triển du lịch, nhất là phát huy thế mạnh khu du lịch biển Ba Động. Vùng biển Khu Kinh tế biển Định An với diện tích quy hoạch 39.020ha, là 01 trong 08 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư; có luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu, bến cảng tổng hợp Định An là tiền đề thúc đẩy phát triển cảng nước sâu và trở thành trung tâm giao thương của khu vực; Trung tâm Điện lực Duyên Hải với công suất 4.490MW; 05 dự án điện gió đã đóng điện và chuẩn bị đóng điện; 04 dự án điện gió đang triển khai; 13 dự án điện gió đang chờ bổ sung quy hoạch điện VIII và 01 nhà máy điện năng lượng mặt trời với công suất 165MWp với nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú để phát triển các công trình năng lượng tái tạo… là điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển với đa dạng sinh học, có nguồn lợi thủy sản dồi dào, phong phú và có nhiều loài có giá trị kinh tế, sản lượng khai thác hải sản bình quân khoảng 65.000 tấn/năm. Diện tích nuôi thủy sản 37.500ha, sản lượng đạt 127.000 tấn/năm.
Biển và kinh tế biển có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh của quốc gia. Vì thế, Trà Vinh luôn quan tâm thu hút nguồn lực đầu tư, khai thác hiệu quả kinh tế biển. Thời gian qua, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tốt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, phấn đấu đưa Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển.
Theo ông Hồng Ngọc Hưng, kinh tế biển tăng trưởng bình quân 10,5%/năm; giá trị sản xuất của các huyện, thị xã ven biển đóng góp khoảng 70% tổng giá trị sản xuất của toàn tỉnh; giá trị tăng thêm ngành thủy sản bình quân khoảng 3,6%/năm; thu nhập bình quân đầu người các huyện, thị xã ven biển gấp khoảng 1,1 lần so với thu nhập bình quân chung của tỉnh. Công tác quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển được triển khai đồng bộ, bước đầu đạt kết quả nhất định. Kết cấu hạ tầng các huyện, thị xã ven biển được quan tâm đầu tư: cảng cá kết hợp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; các tuyến giao thông kết hợp đê bao ven biển; công trình thủy lợi; khu dân cư, tái định cư; trường học; bệnh viện, trạm y tế; tỷ lệ hộ dân vùng ven biển sử dụng điện đạt 98,33%; nước sạch nông thôn đạt 66,44%; nước hợp vệ sinh nông thôn đạt 99,78%; đời sống Nhân dân vùng ven biển từng bước được cải thiện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới biển được bảo vệ vững chắc.
Trong tương lai, khi cầu Đại Ngãi xây dựng hoàn thành, kết nối 02 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, giúp hoàn thiện chuỗi công trình kết nối toàn đồng bằng sông Cửu Long, khoảng cách di chuyển từ các tỉnh phía Nam của đồng bằng sông Cửu Long đi Thành phố Hồ Chí Minh qua Quốc lộ 60 sẽ rút ngắn đáng kể. Ngoài ra, toàn tỉnh có 06 bến cảng (01 cảng sông và 05 cảng biển) là điều kiện thuận lợi vai trò xuất nhập khẩu hàng hóa cho toàn vùng. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế biển còn những khó khăn, thách thức như: kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế vùng biển; chưa kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics. Tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bão, sạt lở bờ sông, bờ biển ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của Nhân dân vùng biển.
Để khai thác tốt các tiềm năng, tận dụng lợi thế hiện có phát triển kinh tế biển, tỉnh khẩn trương xây dựng, hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch của tỉnh đảm bảo các quy hoạch được tích hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, trong đó trọng tâm là phát triển bền vững kinh tế biển, tăng cường liên kết vùng. Xây dựng Đề án phát triển kinh tế biển của tỉnh làm cơ sở cho các địa phương cụ thể hóa, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đột phá của tỉnh. Thành lập bộ phận chuyên trách để quản lý phát triển kinh tế biển, logistic gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng chiến lược phát triển logistics dựa trên chiến lược phát triển hệ thống cảng biển. Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp cận nguồn tài chính; cải tạo, thay mới công nghệ sản xuất, dịch vụ chuyên nghiệp; nguồn nhân lực hỗ trợ; tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu, phát triển mạnh và đa dạng loại hình dịch vụ.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.