05/08/2023 17:59
Căn nhà của gia đình ông Kiên Hai xây dựng hoàn thành đầu năm 2023.
Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn NTM (85/85 xã), 100% xã có nhà văn hóa ấp được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của cộng đồng. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều đổi mới. Các tiệc cưới được đơn giản hóa hình thức, thủ tục, tổ chức trang nghiêm, an toàn tiết kiệm phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Các việc tang được người dân tổ chức trang nghiêm, loại bỏ những thủ tục lạc hậu, việc chôn cất, hỏa táng phù hợp với phong tục của địa phương và theo quy định của Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg, ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang có 09 ấp, với 3.194 hộ, dân số 14.079 người; trong đó có 1.762 hộ đồng bào Khmer, chiếm 49,83% tổng dân số toàn xã. Những năm gần đây, diện mạo NTM ngày càng đổi thay, đời sống Nhân dân ngày càng nâng lên, kết cấu hạ tầng khang trang, sáng - xanh - sạch - đẹp. Đó là kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Đồng chí Trần Văn Công Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: do xã có đông đồng bào Khmer, nên khi triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xã tập trung nhiều chương trình, chính sách giúp nâng cao đời sống của đồng bào Khmer nói riêng, Nhân dân trong xã nói chung như: tạo mô hình sinh kế, hỗ trợ nhà ở, nhà đại đoàn kết cho hộ Khmer khó khăn về nhà ở; hỗ trợ học tập, y tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ vốn vay ưu đãi giúp hộ nghèo phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần giảm chi phí công lao động, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận.
Đặc biệt, xác định và định hướng những mô hình hiệu quả kinh tế cao để người dân áp dụng vào sản xuất như: chuyển đổi sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản khu vực cánh đồng Năng và Trà Côn thuộc các ấp La Bang, Sơn Lang, Sóc Giụp, Long Hanh và Tân Lập; mô hình trồng màu trên đất giồng cát và đưa cây màu xuống ruộng của các ấp Ô Răng, Huyền Đức, Sóc Mới, Sóc Giụp và Bào Mốt; chú trọng chủ lực là cây đậu phộng, dưa hấu và một số cây màu thực phẩm khác; mô hình nuôi heo thịt, bò vỗ béo, gà thịt sử dụng đệm lót sinh học; cùng với đó nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã trong vùng đồng bào Khmer từng bước hiệu quả.
Trên cơ sở triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, chung sức, đồng lòng của đồng bào Khmer, kinh tế của xã không ngừng phát triển, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2023 tăng 12,5%, thu nhập vào cuối năm 2022 đạt trên 53,3 triệu đồng/người/năm.
Đến nay, toàn xã còn 209 hộ nghèo, cận nghèo (trong đó có 144 hộ nghèo, 65 hộ cận nghèo), hộ nghèo trong vùng có đồng bào Khmer hàng năm giảm từ 03% - 04% hộ nghèo; hộ nghèo Khmer hiện nay còn 84 hộ, chiếm 58,33% so với tổng số hộ nghèo của xã. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng nâng lên, diện mạo nông thôn khởi sắc, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định, năm 2022 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến xã Trường Thọ, là 01 trong những xã có đông đồng bào Khmer chiếm trên 73%. Đời sống của người dân sinh kế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, trồng lúa, trồng màu và chăn nuôi. Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ngày càng đi vào chiều sâu, đồng chí Thạch Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thọ cho biết: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhằm xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, cấp ủy Đảng, chính quyền xã chỉ đạo các ấp xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình phát triển chung, phổ biến, triển khai những tiêu chí của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa để nhân dân biết và thực hiện gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và thực hiện chương trình XDNTM.
Đặc biệt, xã triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào, huy động sức dân xây dựng đường nông thôn, vệ sinh cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp, loại bỏ các thủ tục lạc hậu, nhiều khu dân cư nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hóa - nông thôn mới, ấp văn hóa - nông thôn mới, phòng, chống tội phạm và xây dựng các thiết chế văn hóa khang trang hơn. Qua rà soát, đến nay toàn xã còn 3,43% hộ nghèo, trong 162 hộ nghèo, có 140 hộ nghèo người Khmer.
Bên cạnh đó, xã quan tâm đầu tư các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đem lại hiệu quả rõ rệt đối với sản xuất và đời sống của Nhân dân trên địa bàn xã như: hỗ trợ nhà ở, vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế; đào tạo nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động, từng bước giảm nghèo bền vững. Xã còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, hình thành các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung với cơ cấu sản xuất phù hợp, hiệu quả, liên kết doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất lúa thương phẩm mang lại kinh tế cao.
Gia đình nông dân Kiên Hai, ấp Sóc Cụt, xã Trường Thọ là một trong những hộ nghèo dân tộc Khmer đã vươn lên thoát nghèo nhờ có con tham gia xuất khẩu lao động.
Ông Kiên Hai cho biết: gia đình nghèo, không đất sản xuất, quanh năm sống bằng nghề làm thuê theo mùa vụ và làm phụ hồ thu nhập bấp bênh, kinh tế gia đình thiếu trước hụt sau. 05 năm trước, ông mạnh dạn vay vốn 130 triệu đồng cho con trai Kiên Quốc Hậu đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. 03 năm đầu sau khi con đi xuất khẩu lao động, tiền con gửi về ông lo trả nợ, sau khi kết thúc hợp đồng, con trai ông tiếp tục gia hạn làm việc tại Nhật Bản. Vợ chồng ông tiếp tục làm thuê và từng bước vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, ổn định cuộc sống.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Từ đó, tạo động lực để Nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.