15/04/2025 11:19
Bà Thạch Thị Mon Phiếc (bìa trái) ấp Giồng Lớn A phấn khởi với vụ bắp được mùa, được giá.
Huyện Trà Cú có hơn 62% dân số là dân tộc Khmer, cao nhất của tỉnh. Vùng đất Trà Cú một thời được xem là vùng đất khó, sản xuất kém hiệu quả, năng suất bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo cao. Những năm gần đây, với sự hỗ trợ từ Trung ương, của tỉnh và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đời sống của người dân chuyển biến rõ rệt. Năm 2024, huyện thực hiện chuyển đổi hơn 200ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây, con có giá trị kinh tế cao, từng bước cơ cấu lại mùa vụ, bố trí cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch phát triển.
Tại xã Đại An, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong XDNTM, NTM nâng cao và thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Qua tuyên truyền, vận động, nhiều nông dân của xã đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên cùng diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả. Trong đó, ông Thạch Long, ngụ ấp Giồng Lớn A là một điển hình; ông đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp trên diện tích 4.000m2.
Ông Thạch Long cho biết: với 4.000m2, trong đó 2.000m2 bắp nếp dẻo, tôi bán cho bạn hàng nấu bán ngoài chợ, còn 2.000m2 thì trồng bắp Mỹ, đầu ra ổn định, có thương lái thu mua tận rẫy, giá bán trung bình 7.000 - 8.000 đồng/kg. Được chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kéo điện phục vụ tưới tiêu nên người dân phấn khởi, đồng tình chuyển đổi sản xuất mỗi năm 01 vụ lúa, 02 hoặc 03 vụ màu, giúp đời sống nâng lên.
Theo ông Thạch Long, từ khi gieo giống đến thu hoạch bắp là 60 ngày, chất lượng giống tốt nên năng suất cao, bình quân 1.000m2 đạt hơn 1,2 tấn bắp, lợi nhuận hơn 07 triệu đồng. Như vậy, với 4.000m2 trồng bắp, gia đình ông lợi nhuận gần 30 triệu đồng.
Được biết, ấp Giồng Lớn A có trên 80% dân tộc Khmer, quen với trồng màu, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hiện nay, đời sống của người dân nâng cao so với trước đây, nhà cửa khang trang. Nhiều nông dân trong ấp cho biết, từ khi chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, kinh tế ổn định hơn. Cây bắp rất dễ trồng, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Hiện nay, cây bắp được xem là loại cây phát triển kinh tế, thoát nghèo của nông dân xã Đại An. Việc thu hoạch bắp vào giữa tháng 3 đến tháng 4 hàng năm đã trở thành niềm vui, niềm hy vọng của nông dân. Bởi, đây là thời điểm đón năm mới của đồng bào Khmer, nếu được mùa, nông dân sẽ có thêm vốn đầu tư trồng trọt những vụ màu ngắn ngày tiếp theo trong năm.
Bà Thạch Thị Mon Phiếc, ấp Giồng Lớn A chia sẻ: từ khi trồng bắp kinh tế gia đình khá hơn so với làm lúa, tận dụng thêm cây cho bò ăn, đời sống nâng lên. Tôi luôn mong muốn bán được giá cao hơn để có thêm lợi nhuận, tiếp tục sản xuất vụ mùa sau.
Đồng chí Trầm Thị Xuân Triều, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đại An, cho biết: người dân chuyển đổi sản xuất từ 02 vụ lúa/năm sang 01 vụ lúa, 02 vụ màu hiệu quả kinh tế cao hơn, đời sống của người dân, cũng như hội viên phụ nữ ngày càng nâng cao. Hiện nay, Hội Liên hiệp phụ nữ phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển hỗ trợ vốn cho hội viên vay xây nhà ở, trồng trọt, chăn nuôi, giúp nâng cao đời sống.
Theo đại diện UBND xã Đại An, thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp UBND xã Đại An định hướng cho nông dân đưa cây màu xuống chân ruộng, hiện tại, xã tập trung vào 02 cây trồng chủ lực là bí đỏ (diện tích hơn 30ha) và bắp (hơn 25ha) và một số loại cây trồng khác, hiện nông dân đang tiếp tục xuống giống chuẩn bị cho vụ mùa tới. Trên cơ sở chuyển đổi, UBND xã tập trung tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống tập trung, thành lập các tổ hợp tác để đảm bảo diện tích và mời các cơ sở, doanh nghiệp liên kết đầu ra nhằm tạo sự an tâm cho người dân.
Việc vận động người dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể gắn với thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội. Đồng thời, khơi dậy tiềm năng và làm chuyển biến nhận thức của người dân trong sản xuất, góp phần nâng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN - NGUYỆT HÂN
Đón tết Cổ truyền Chôl Chnam Thmây năm 2025 của đồng bào Khmer, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Trà Vinh hòa trong niềm vui chung: kinh tế - xã hội tiếp tục tăng trưởng và phát triển ổn định. Đặc biệt, gắn với tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), 65 năm kết nghĩa Trà Vinh - Thái Bình (1960 - 1925), và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.