31/07/2024 09:23
Hệ thống cho gà ăn tự động của nông dân Trần Tố Phương (bên phải).
Những cây màu được người dân trong huyện tập trung sản xuất nhiều nhất đậu phộng, bắp giống, dưa hấu, ớt chỉ thiên, bí đỏ và rau cải các loại kết hợp với nuôi gia súc gia cầm. Đặc biệt, thời gian gần đây, ngoài các chính sách hỗ trợ phát triển chuyển đổi sản xuất, nông dân chủ động, sáng tạo đổi mới cơ cấu cây trồng, bố trí mùa vụ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng xuất hiện những mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao.
Nổi bật là mô hình trồng bắp giống, dưa hấu, nuôi gà hữu cơ lấy trứng trong nhà màng được áp dụng theo hệ thống tuần hoàn của người dân xã Long Sơn và mô hình nuôi gà gia công trên đất trồng lúa kém hiệu quả của nông dân Trần Tố Phương, xã Mỹ Long Bắc. Đây là những mô hình được đánh giá mô hình nông thôn mới cấp tỉnh mang lại hiệu quả cao, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Đồng chí Phương Thị Thúy Hảo, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc cho biết: mô hình nuôi gà gia công của nông dân Trần Tố Phương góp phần tăng thu nhập kinh tế hộ, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Mô hình nuôi gà gia công được sử dụng đệm lót sinh học có hệ thống cung cấp nước uống tự động, chuồng trại xây dựng kiên cố có hệ thống thông gió đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường. Hiện mô hình này góp phần giải quyết việc làm cho 05 lao động, thu nhập bình quân 07 triệu đồng/người/tháng. Từ mô hình này, xã tiếp tục vận động người dân có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế hộ, nhất là trong chăn nuôi chú trọng công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo môi trường sạch, không ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân khu dân cư.
Nông dân Trần Tố Phương, ấp Bến Kinh, xã Mỹ Long Bắc cho biết: kinh tế gia đình chủ yếu làm lúa, sau đó nhận thấy người dân trong xã sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, đầu ra bấp bênh, do đó ông thu mua và đem cung cấp ở các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Đến năm 2019, để cải thiện kinh tế gia đình và được người thân giới thiệu dẫn dắt liên kết với Công ty TNHH TM Vietlight nuôi gà gia công với hình thức ông Phương tự chủ đầu tư về mặt bằng chuồng trại và các dụng cụ phục vụ trong chăn nuôi và thuê lao động. Từ đó, ông Phương đầu tư xây dựng 05 chuồng trại theo quy trình khép kín để nuôi gà gia công sử dụng đệm lót sinh học trên 1,5ha đất lúa kém hiệu quả.
Với 05 chuồng trại nuôi xoay vòng 03 đợt/năm, mỗi trại nuôi Công ty cung ứng từ 10.000 con gà giống, thuốc, thức ăn trong suốt quá trình nuôi và hỗ trợ cán bộ thú y chăm sóc gà khi cần thiết. Bình quân ông Phương xuất bán giao Công ty khoảng 150.000 con gà/năm, lợi nhuận 1,5 tỷ đồng/năm.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, ông Phương xuất bán 50.000 con gà, bình quân ông Phương được hưởng lợi gia công từ 10.000 - 15.000 đồng/con gà, lợi nhuận khoảng 500 - 750 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi đợt xuất bán, ông còn có thêm thu nhập 10 triệu đồng/trại từ việc bán phế phẩm phân gà cho Công ty, góp phần cho gia đình ông Phương giảm chi phí đầu tư sử dụng đệm lót tái đầu tư trại nuôi mới.
Đến thăm xã Long Sơn, đây là địa phương thực hiện chuyển đổi đưa cây màu xuống chân ruộng hiệu quả, nhất là mô hình thâm canh cây màu trên đất giồng cát góp phần nâng thu nhập cho người dân trên cùng diện tích.
Đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: bắp giống, dưa hấu là cây trồng được người dân trong xã duy trì hơn 20 năm qua, tuy giá bán không ổn định nhưng đây là những cây trồng phù hợp với điều kiện kinh tế đầu tư sản xuất của nông dân. Mặc dù dưa hấu và bắp giống, nhờ liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, nên nông dân an tâm sản xuất và đạt lợi nhuận cao gấp 03 - 04 lần so với trồng lúa. Trong năm 2024, xã liên kết với doanh nghiệp xuống giống 21ha bắp giống tập trung ở ấp Huyền Đức và Sóc Mới. Hướng tới, xã tiếp tục liên kết với doanh nghiệp và vận động nông dân tham gia nhân rộng mô hình này.
Nông dân Hồ Văn Thảo, ấp Sóc Giụp, xã Long Sơn là hộ dân có thâm niên trồng dưa hấu nhiều năm cho biết: dưa hấu là cây trồng ngắn ngày, 60 ngày cho thu hoạch, mỗi vụ dưa hấu được mùa được giá lợi nhuận bình quân 07 - 08 triệu đồng/0,1ha. Với 0,2ha đất triền giồng gò cao nên sản xuất được 03 vụ dưa hấu/năm. Vụ dưa hấu mùa nghịch năm nay hiện đang thu hoạch với giá bán 9.000 đồng/kg. Tuy giá dưa hấu tăng cao nhưng do trồng mùa nghịch, vào thời điểm dưa hấu đang ra hoa đậu trái gặp mưa bão thất thường nên năng suất giảm 50% so với mùa thuận. Với 0,2ha dưa hấu, sản lượng đạt 03 tấn, lợi nhuận 04 - 05 triệu đồng/0,1ha.
Song song với cây dưa hấu, bắp giống, những năm gần đây, trên địa bàn xã phát triển thêm mô hình trồng màu kết hợp với nuôi gà hữu cơ lấy trứng áp dụng theo quy trình sản xuất chuẩn châu Âu của hộ bà Lê Thị Hạnh Dung, ấp Huyền Đức góp phần giảm chi phí đầu tư nông nghiệp ban đầu nhưng quy trình sản xuất đòi hỏi rất nghiêm ngặt nên khó nhân rộng.
Bà Dung cho biết: để đáp ứng nhu cầu ngày càng gay gắt của thị trường, năm 2021 bà đầu tư nhà màng nuôi gà hữu cơ lấy trứng kết hợp với trồng rau củ quả trên diện tích 1,8ha. Khi có thị trường ổn định về đầu ra, bà mở rộng mô hình tăng gia sản xuất với quy mô hiện nay 2,8ha. Mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình hữu cơ được áp dụng theo hệ thống kinh tế tuần hoàn là lấy phụ phẩm nông nghiệp phục vụ chăn nuôi và phân thải từ nuôi gà ủ thành phân vi sinh làm đầu vào đầu tư trồng trọt vừa giảm chi phí, tăng lợi nhuận, chất lượng sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường châu Âu. Với 2.000 con gà giống D310 được nuôi khép kín trong nhà màn trên diện tích 0,4ha. Chu kỳ gà nuôi đẻ trứng trong vòng 16 tháng kết thúc, sau đó bán gà thịt, bình quân mỗi con gà đẻ khoảng 310 quả trứng/năm. Hàng ngày bà xuất bán khoảng 1.500 trứng với giá 80.000 đồng/chục (10 quả trứng), lợi nhuận đạt 30%.
Song song đó, phân phế thải từ nuôi gà lấy trứng bà ủ thành phân tái sử dụng vào trồng dưa hấu hữu cơ, dưa lưới hữu cơ và rau ăn lá hữu cơ,… sản lượng nông sản cung ứng thị trường 04 tấn/tháng, bán theo thị trường, lợi nhuận khoảng 20%, giải quyết việc làm 07 lao động với thu nhập 07 triệu đồng/người/tháng.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.