08/05/2023 15:55
Chị Thạch Thị The phơi khô cá lưỡi trâu.
Nghề chế biến cá khô từ lâu đã trở thành nghề truyền thống tại Cảng cá Định An (thị trấn Định An và xã Định An), huyện Trà Cú. Nguồn nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến khô gồm các loại cá, tôm, mực, được các hộ dân làm nghề thu mua trực tiếp mỗi ngày từ các chủ ghe lưới, rập và ngư dân địa phương. Nhằm đảm bảo uy tín và ổn định về chất lượng, người làm khô sử dụng nguyên liệu cá luôn tươi mới từ môi trường biển tự nhiên nên nhiều năm qua luôn được khách hàng tin tưởng.
Trao đổi với chúng tôi, chị Thạch Thị The, ấp Vàm Bến Tranh, xã Định An cho biết: muốn khô ngon thì từ khâu chọn mua nguyên liệu, chế biến, tẩm ướp gia vị rồi đến phơi và đóng gói… tất cả đều phải được quan tâm, chăm chút thì sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và đứng vững trên thị trường. Trong đó, công đoạn phơi và trở khô rất quan trọng, tôi phơi khô ngoài trời nắng theo kiểu truyền thống tự nhiên để giữ được hương vị cá khô đặc trưng miền biển, nắng tốt thì phơi từ 01 đến 03 nắng là đạt, nếu phơi quá nắng khô sẽ co lại, không đẹp lại mất đi vị khô.
Từ khi thành lập (năm 2015) đến nay, cơ sở cá khô Thành The của chị Thạch Thị The đã tạo ra nhiều sản phẩm cá khô đặc trưng quê biển Định An, đáp ứng nhu cầu thị trường xa gần. Trung bình mỗi tháng, cơ sở khô của chị Thạch Thị The cung ứng cho thị trường hơn 01 tấn khô cá và mực đủ loại với các sản phẩm chủ lực gồm: khô cá đù 01 nắng, cá lưỡi trâu, cá dứa, cá đuối…
Được biết, khi bắt đầu làm khô, những mẻ khô đầu tiên, chị Thạch Thị The gửi cho bạn bè, người thân dùng thử và góp ý. Từ những phản hồi của bạn bè, cùng với sự cần cù, tìm tòi, học hỏi thêm, chị The đã có được công thức tẩm ướp riêng mình. Ngoài chế biến các loại cá khô, chị The còn làm tôm khô, khô mực và kinh doanh thêm mực tươi.
Cũng tại xã Định An, chị Thạch Thị Tím nghĩ rằng, khởi nghiệp chẳng có gì cao xa mà chỉ là cách vừa giữ nghề gia truyền, vừa tạo việc làm cho người dân địa phương. Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có tại địa phương, chị Tím mong muốn mở rộng quy mô sản xuất để đưa sản phẩm mắm cá mề gà và các loại mắm chao mang thương hiệu Trà Cú vươn xa hơn trên thị trường.
Chị Tím cho biết: mùa cá mề gà thường bắt đầu từ tháng 02 đến tháng 4 và từ tháng 10 đến 12 âm lịch, do người dân đánh bắt bằng ghe cào. Cá mề gà mềm, nhiều xương, khi làm mắm, chị ướp theo công thức cùng bí quyết truyền thống đã làm nên hương vị mắm thơm, chua nhẹ, đặc biệt mắm được chế biến từ cá mề gà tươi vừa đánh bắt nên giữ nguyên độ béo và thơm của cá. Công đoạn chế biến rất tỉ mỉ và qua nhiều khâu lên men tạo hương vị khác lạ và hấp dẫn.
Ngoài sản phẩm mắm cá mề gà, chị Tím còn sản xuất các loại mắm ruốc, mắm chao, prò-hóc tạo nhiều sản phẩm có giá trị, gắn với làng nghề truyền thống của địa phương. Trung bình mỗi tháng bán khoảng 100kg mắm prò-hóc, 50 - 70 keo mắm chao, giao cho những bạn hàng khu vực huyện Trà Cú. Cơ sở sản xuất mắm của chị Tím còn góp phần tạo việc làm ổn định cho 02 lao động phụ chế biến nguyên liệu, lúc có cá về nhiều, chị thuê lao động nhiều hơn, giúp chị em có thu nhập ổn định.
Là hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN), được tham gia các lớp tập huấn, trang bị những kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm nên quy trình chế biến mắm của chị Tím rất cẩn thận, đảm bảo sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Chị Tím cho biết, sắp tới, tôi hy vọng mở rộng sản xuất, mong muốn Hội LHPN xã, huyện và các ngành hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm để nhiều người biết đến khô mắm Định An.
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, năm 2023, Hội LHPN huyện Trà Cú phối hợp với ngành chức năng cấp tỉnh và huyện hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương.
Bà Trầm Như Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Trà Cú cho biết: các cấp Hội trong huyện luôn cùng đồng hành, hỗ trợ các chị phát triển kinh tế gia đình, với mong muốn các chị có điều kiện khởi nghiệp tại quê hương với những ngành nghề phù hợp với điều kiện địa phương; giúp các chị phát triển kinh tế và có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, không phải đi làm ăn xa. Hiện, các cấp Hội đã huy động được các nguồn lực lồng ghép vào các hoạt động để đào tạo, tập huấn, kết nối, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho phụ nữ và hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ khởi nghiệp, tạo sinh kế cho các chị em. Qua đó, hỗ trợ thành lập mới 27 tổ hợp tác, tổ phụ nữ phát triển kinh tế; 04 câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp có 460 thành viên. Đến nay, hỗ trợ cho 357 phụ nữ khởi nghiệp với số tiền trên 05 tỷ đồng.
Thời gian tới, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện tiếp tục phát động các cấp Hội đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên khó khăn phát triển kinh tế. Tạo điều kiện cho hội viên kết nối, tiếp cận được các nguồn vốn, giúp hội viên phụ nữ khởi nghiệp bằng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, thành lập các tổ liên kết phù hợp với điều kiện thực tế.
Đồng thời, phối hợp với các ban ngành có những giải pháp, chương trình, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, tạo việc làm, giúp phụ nữ nâng cao thu nhập và tích cực tham gia các phong trào do Hội phát động.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN - MINH THÙY
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.